Đưa huyện Đắk R’lấp về đích nông thôn mới, trở thành trung tâm công nghiệp bô xít-nhôm
Là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) quyết tâm về đích nông thôn mới và trở thành thị xã của tỉnh Đắk Nông vào năm 2025.
Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Anh Tuấn, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp về quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTN và phát triển công nghiệp bô xít- nhôm, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở “cửa ngõ” phía Nam của Đắk Nông.
Phóng viên: Thời gian qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào trong việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM ?
Đồng chí Phan Anh Tuấn: Để triển khai có hiệu quả chương trình, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk R’lấp luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đến nay, Huyện ủy đã ban hành 8 Nghị quyết, 21 Quyết định, 21 kế hoạch và ban hành các văn bản tổ chức thực hiện.
Trong số này, trọng tâm là Nghị quyết số 05, ngày 28/4/2021 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Đắk R’lấp.
Nghị quyết xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là quá trình liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc và với phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương, Nhà nước định hướng, xây dựng ban hành cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn…
Đến nay, kết quả đạt được là huyện Đắk R’lấp đã có xã Đắk Wer đạt chuẩn NTM nâng cao, là xã đầu tiên của tỉnh Đắk Nông đạt được kết quả này. Bên cạnh đó, Huyện ủy huyện Đắk R’lấp cũng chỉ đạo UBND huyện gấp rút hoàn thiện hồ sơ đối với xã Nhân Cơ để trình cấp có thẩm quyền thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023.
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk R'lấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện Đắk R’lấp là huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Nông trở thành huyện NTM. Để thực hiện chỉ tiêu này, huyện Đắk R’lấp có những khó khăn, thuận lợi nào?
Đồng chí Phan Anh Tuấn: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk R’lấp lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra chỉ tiêu 2/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5/10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xây dựng huyện Đắk R’lấp thành thị xã trước năm 2025.
Từ khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã thực hiện chương trình dựa trên những thành quả sẵn có của địa phương, đồng thời huy động nội lực trong Nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tập trung phấn đấu thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, huyện Đắk R’lấp cũng đang gặp phải một số khó khăn như Công tác giải ngân năm 2022, 2023 chưa đảm bảo; Tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương với ngân sách Trung ương theo tỷ lệ 1:1 là quá cao so với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách của huyện. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp, ảnh hưởng đến các tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Đến thời điểm tháng 12 năm 2023, huyện đạt 4/9 tiêu chí (Số 3 về Thủy lợi; Số 4 về Điện và số 6 về Kinh tế, số 8 Chất lượng môi trường sống) với 29/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; còn lại 5 tiêu chí với 7 chỉ tiêu chưa đạt chuẩn.
Phóng viên: Huyện Đắk R’lấp là địa phương đang triển khai khai thác bô xít và chế biến Alumin. Huyện có định hướng để khai thác tiềm năng, thế mạnh, hướng tới mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia ?
Đồng chí Phan Anh Tuấn: Từ những quan điểm, định hướng của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk R'lấp xác định một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp bô xít- nhôm gắn với phát triển kinh tế bền vững, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Trước hết, cả hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và trách nhiệm để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đặt ra.
Hai là, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển công nghiệp gắn với ngành công nghiệp Nhôm như phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, công nghiệp sửa chữa, nhất là công nghiệp sản xuất các loại sản phẩm từ nhôm.
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương và người dân đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Bốn là, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án khai thác mỏ đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chủ yếu về mặt cơ chế, chính sách trong hoạt động thu hồi đất, bố trí tái định cư và sản xuất kinh doanh.
Năm là, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội cho người dân tại vùng dự án và của huyện.
Phóng viên: Đắk R’lấp là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Đắk Nông và của Tây Nguyên. Huyện đã có những giải pháp nào để thu hút đầu tư, giữ chân doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Đồng chí Phan Anh Tuấn: Trên cơ sở quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa trên những lợi thế vốn có, huyện Đắk R'lấp xác định 4 giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư.
Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Qua đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với địa phương.
Huyện Đắk R’lấp tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên cho nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên vùng để góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn huyện.
Một trong những yếu tố giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư là nguồn nhân lực tại chỗ. Trong thời gian tới, huyện cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nội dung, ảnh: Thanh Hằng
Trình bày: N.H