Đưa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào trường học
Trường THPT Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) là một trong những trường học đi đầu trong công tác quảng bá, nâng cao nhận thức về giá trị của Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông cho các em học sinh.
Đưa CVĐC vào trang sách
Nhiều năm nay, Phòng Truyền thống của Trường THPT Krông Nô đã thành nơi trưng bày các hiện vật, thông tin, tranh ảnh, đồ họa liên quan đến CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đây là địa điểm quen thuộc để các em học sinh tham quan, tìm hiểu về những điểm đến trong hệ thống CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, nhất là những di sản nằm trên địa bàn huyện Krông Nô.
Em Phạm Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 11 cho biết: “Trước đây, em cho rằng, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chỉ có ở Krông Nô, vì ở đây có hệ thống hang động, núi lửa. Thế nhưng, qua tham quan Phòng Truyền thống, kiến thức về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông của em được mở rộng hơn. Em biết được CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trải dài trên 5 huyện và thành phố của tỉnh Đắk Nông. Mỗi địa phương đều có những điểm dừng chân thú vị, nét đẹp riêng, tạo nên bản trường ca hùng vĩ về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”.
Bên cạnh Phòng Truyền thống, Trường THPT Krông Nô còn đưa các kiến thức về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào tích hợp giảng dạy bộ môn lịch sử, địa lý trong các tiết học về giáo dục địa phương. Theo đó, trên cơ sở những tài liệu, hình ảnh của các cơ quan chuyên môn cung cấp, căn cứ vào kế hoạch giảng dạy cụ thể của nhà trường, các giáo viên xây dựng giáo án phù hợp về CVĐC.
Qua các tiết học, các em học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản và trả lời được các câu hỏi như CVĐC là gì; cần làm gì để gìn giữ, bảo vệ CVĐC; trách nhiệm của học sinh đối với việc phát triển CVĐC ở hiện tại và tương lai…
Học sinh Hoàng Quang Lê, lớp 10 cho biết: “Trong các tiết học về giáo dục địa phương, thầy, cô đều lồng ghép giới thiệu về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Từ đó, em hiểu thêm về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên và trách nhiệm của mỗi học sinh, mỗi người dân trong bảo vệ, giữ gìn và quảng bá hình ảnh CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến du khách”.
Còn theo học sinh Trịnh Nguyễn Minh Anh, lớp 12 cho biết: “Sau khi tìm hiểu, em nhận thức được trách nhiệm của bản thân và các bạn trong việc tuyên truyền, giới thiệu về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đó là mình cần đóng góp vào việc phát triển, tuyên truyền để ngày càng có nhiều người biết đến CVĐCTC UNESCO Đắk Nông bằng cách chia sẻ trên các mạng xã hội về những điểm đến, điểm dừng chân, nhất là vẻ đẹp hoang sơ của hệ thống các hang động, núi lửa tại địa phương sinh sống”.
Đẩy mạnh giáo dục cho học sinh
Theo bà Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô, Krông Nô là địa phương có nhiều điểm thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, nhất là hệ thống các hang động, núi lửa. Để CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiệm cận với các em học sinh, ngay từ những ngày đầu, nhà trường đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo điều kiện để thầy, trò tìm hiểu thêm về CVĐC.
Trường luôn tạo điều kiện cho thầy, cô giáo và các em học sinh tham gia triển khai thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật, tổ chức các ngày hội Stem với những ý tưởng độc đáo, mới lạ liên quan đến CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Trong phần chương trình giáo dục địa phương, Trường chỉ đạo cho giáo viên đưa nội dung CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vào các tiết giảng dạy của mình để củng cố, nâng cao kiến thức, nhất là đáp ứng tiêu chí mỗi học sinh đều phải nắm, biết, hiểu về các điểm đến, điểm dừng chân thuộc Trường ca của Nước và Lửa”.
“Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để các em có thêm kiến thức thực tế, hiểu thêm về CVĐC. Từ đó, các em trở thành những cộng tác viên trong việc quảng bá, giới thiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè, gia đình. Đặc biệt, qua các hoạt động giáo dục, các em cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa, giá trị CVĐC ở tuyến Krông Nô nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung”, bà Lê Thị Chung cho biết.