Đời sống

Đưa bác sĩ về tuyến xã - Cái được và cái khó

Nhóm PV 27/02/2024 07:00

Đưa bác sĩ về trạm y tế cấp xã là cách để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đối với tuyến đầu, giảm tải cho tuyến trên. Cách làm này tăng niềm tin của Nhân dân đối với ngành Y tế.

ADQuảng cáo

Nâng cao chất lượng ở tuyến đầu

Tháng 10/2023, bác sĩ đa khoa Vũ Văn Đồng về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Đắk Nia, Gia Nghĩa. Trước đây, bác sĩ Đồng từng là y sĩ đa khoa công tác tại Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế Gia Nghĩa. Năm 2018, anh xin nghỉ để tiếp tục đi học nâng cao trình độ. Đến tháng 9/2023, anh hoàn thành việc học và về công tác tại Trung tâm Y tế Gia Nghĩa. “Trước khi đi học, tôi cũng đã có suy nghĩ học xong sẽ về xã để công tác. Do đó, khi về trung tâm, tôi đã bày tỏ nguyện vọng của mình đối với lãnh đạo và được chấp thuận. Do địa bàn xã Đắk Nia chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nên khi về trạm, tôi đã học những từ ngữ thông thường trong giao tiếp bằng tiếng M’nông, Mạ để tiện cho công tác khám, hướng dẫn bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe”, bác sĩ Đồng cho biết.

dsc09088.jpg
Bác sĩ Vũ Văn Đồng luôn nêu cao trách nhiệm trong khám, chữa bệnh cho người dân

Cũng theo anh Đồng, ban đầu khi tiếp nhận công việc, anh có phần bỡ ngỡ bởi cơ sở vật chất của trạm còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới trong khám, chữa bệnh. Nhưng bằng tình yêu nghề, anh đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả những trang thiết bị có sẵn để làm tốt chuyên môn. “Công tác ở trạm, tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, biết nhiều loại bệnh khác nhau. Do đó, tôi cố gắng học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tìm hiểu, làm quen với các phác đồ mới trong điều trị bệnh. Tôi mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện để các bác sĩ ở tuyến trạm được học hỏi, nâng cao tay nghề, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân”, anh Đồng cho biết.

dsc09121.jpg
Người dân xã Đắk Nia đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã ngày càng nhiều

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Đắk Nia, toàn xã có đến 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần bà con thường xuyên khám, chữa bệnh tại trạm. Khi bác sĩ mới về, trạm có huy động y tế thôn, bon hỗ trợ về giao tiếp ngôn ngữ. Từ đó, bác sĩ bắt đúng bệnh và bệnh nhân hiểu được những lời căn dặn của bác sĩ trong điều trị nên chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên.

“Từ khi có bác sĩ về thì người dân tin tưởng, đến trạm khám, chữa bệnh nhiều hơn. Những lúc bị chấn thương, thay vì lên tuyến trên như trước thì nay bà con đã lên tuyến trạm xử lý”, bà Xuân thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mạnh, hiện là Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn, Đắk Glong. Tháng 12/2007, bác sĩ Mạnh về công tác tại Trạm y tế xã Quảng Sơn. Quá trình công tác, bác sĩ Mạnh đã tự học thêm 2 thứ tiếng Mông và M’nông để thuận tiện trong giao tiếp, khám, chữa bệnh cho bà con.

dscf1937.jpg
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thăm khám cho bệnh nhân

Ông Huỳnh Văn Chuyền, bon Bu Sir, xã Quảng Sơn cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi khi không khỏe, chúng tôi đều có thói quen lên trạm y tế xã để khám bệnh. Một phần vì ra bệnh viện tuyến trên xa xôi, đi lại tốn kém, phần vì chúng tôi tin tưởng vào năng lực y, bác sĩ của trạm, nhất là bác sĩ Mạnh”.

“Trước kia, trung bình mỗi ngày, trạm chỉ có 10 - 20 lượt bệnh nhân tới khám bệnh. Hiện nay, số lượng đã tăng lên đáng kể khoảng 80 -100 lượt người/ngày. Sự tin tưởng của bà con chính là động lực để chúng tôi cố gắng nâng cao trình độ, tay nghề phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, Bác sĩ Nguyễn Xuân Mạnh chia sẻ.

Trạm Y tế xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp hiện có 7 cán bộ y tế. Là bác sĩ duy nhất của trạm, bác sĩ đa khoa hạng III Lê Thị Kim Yến vừa thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho người dân vừa tham gia quản lý với vai trò Trạm trưởng Trạm Y tế xã. Bác sĩ Yến chia sẻ: “Việc tổ chức khám, chữa bệnh tại trạm thuận lợi cho người dân trong chăm sóc sức khỏe, đồng thời, góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến trên. Tuy nhiên, trạm vẫn còn thiếu y, bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, khả năng khai thác, sử dụng trang thiết bị y tế còn hạn chế...”.

img_9918.jpg
Trạm Y tế xã Nhân Cơ, Đắk R'lấp hiện có 1 bác sĩ thực hiện công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác, bác sĩ Yến cho rằng, mỗi trạm y tế cần có từ 2- 3 bác sĩ để đáp ứng nhu cầu khám bệnh thường xuyên của bà con. Các bác sĩ có điều kiện thay nhau, sắp xếp thời gian, công việc để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, toàn huyện hiện có 11 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó 10 trạm đã có bác sĩ. Năm 2023, tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngoại trú là 199.871 lượt, trong đó, khám tại các trạm y tế là 32.879 lượt.

Còn nhiều khó khăn

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế Gia Nghĩa, để thu hút bác sĩ về trạm y tế xã, phường, đơn vị đã liên hệ với các cá nhân hoặc những đơn vị lớn mà bác sĩ có nguyện vọng về công tác tại trạm y tế. Năm 2023, trung tâm đã nhận hai bác sĩ về công tác tại xã Đắk Nia và phường Nghĩa Tân. Qua đánh giá sơ bộ, từ khi có bác sĩ về khám, chữa bệnh thì lòng tin của Nhân dân được nâng lên, chất lượng chuyên môn tuyến trạm cũng tốt hơn.

dsc09047.jpg
Trung tâm Y tế Gia Nghĩa luôn chủ động trong công tác thu hút bác sĩ về tuyến xã, thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, việc thu hút, giữ chân bác sĩ về trạm y tế rất khó khăn. Các bác sĩ sau khi học ra trường lại thích về một đơn vị tuyến điều trị tốt hơn, cao hơn để được nâng cao tay nghề. Một số bác sĩ sau một thời gian công tác xin nghỉ việc, chuyển công tác mới.

Theo bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, hiện nay, mỗi trạm y tế thường chỉ có 1 bác sĩ thì không đáp ứng được hết nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Một bác sĩ thì không thể hội chẩn, không có đồng nghiệp khác để học hỏi, phát triển. Hơn nữa, các trạm y tế được cấp trang thiết bị cơ bản đầy đủ nhưng không sử dụng sẽ gây lãng phí. Vì vậy, đội ngũ này cần thường xuyên được đào tạo, cọ xát thực tiễn tại cơ sở y tế tuyến trên để áp dụng vào thực tế địa phương thì mới thành công. Chưa kể, hiện nay chế độ đãi ngộ cho đội ngũ bác sĩ còn thấp.

Theo bác sĩ Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt 100%, trong đó phần lớn là các bác sĩ được đào tạo tại chỗ, học liên thông từ trung cấp lên đại học và cử tuyển. Một số trạm y tế có từ 1 - 2 bác sĩ để bảo đảm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tuyến đầu.

Cần có cơ chế để thu hút, giữ chân bác sĩ

Trước những khó khăn trên, các đơn vị ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân cũng như nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ tại các trạm y tế. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, để thu hút, giữ chân bác sĩ tại tuyến trạm, đơn vị luôn chủ động trong công tác tư tưởng. Các em khi liên hệ trực tiếp, trung tâm sẽ tư vấn, đối thoại, trao đổi, giới thiệu về môi trường, điều kiện làm việc, chế độ chính sách theo quy định. Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bác sĩ tuyến xã. Đây cũng được xem là cơ sở để thu hút bệnh nhân tới trạm khám nhiều hơn nhằm giảm gánh nặng cho tuyến trên.

dscf1968(1).jpg
Trạm Y tế xã Quảng Sơn được đầu tư các trang thiết bị y tế tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhân viên y tế khi công tác tại trạm

Bác sĩ Phạm Khánh Tùng cho rằng, muốn phát huy vai trò y tế cơ sở thì cơ chế chính sách phải thay đổi và phân cấp, phân quyền cho trạm y tế tự chủ về tài chính, tạo môi trường làm việc, tăng thu nhập cho các bác sĩ… Vừa qua, Sở Tài chính đồng ý cho Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp tự chủ về tài chính. Do đó, thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hoạt động khám chữa bệnh ban đầu; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở...

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu, trạm y tế là tuyến y tế cơ sở nặng về công tác y tế dự phòng. Việc điều động, luân chuyển bác sĩ, nhân viên y tế tuyến trên về khám bệnh tại trạm y tế xã nhằm cải thiện hệ thống y tế cơ sở là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn nhân lực chính quy còn mỏng, ngành Y tế Đắk Nông ưu tiên bố trí các bác sĩ giỏi, sau đại học chuyên khoa I, II, bác sĩ chính quy, công tác lâu năm tại đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng khám, điều trị nơi có cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại hơn, tạo điều kiện ứng dụng chuyên môn kỹ thuật sâu.

dscf1981(1).jpg
Trước mắt, ngành Y tế cố gắng bảo đảm số lượng bác sĩ công tác tại trạm

Đối với các trạm y tế, trước mắt ngành cố gắng bảo đảm số lượng bác sĩ công tác. Hàng năm, các bác sĩ tại trạm sẽ được các bệnh viện, đơn vị y tế tuyến trên hướng dẫn, chỉ đạo tuyến và được đào tạo, cập nhật kiến thức theo các chương trình, dự án để bảo đảm trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng ban đầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa bác sĩ về tuyến xã - Cái được và cái khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO