Chính sách

Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm và học thêm có gì mới?

TTXVN 24/08/2024 06:36

Tổ chức hoặc cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm.

Giáo viên, phụ huynh và học sinh thành phố Hà Tĩnh hưởng ứng cao chương trình
Giáo viên, phụ huynh và học sinh thành phố Hà Tĩnh hưởng ứng cao chương trình "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm." (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Ngày 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý; thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10 tới.

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.

Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

hoc sinh TPHCM1.jpg
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 (hai) buổi/ngày.

Điểm mới của dự thảo Thông tư là không quy địnhcác trường hợp không được dạy thêm như Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:

Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông;

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.

Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm, phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.

Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.

Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.

Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.

Điểm mới của dự thảo Thông tư đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.

Còn Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

tieu-hoc.jpg
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Và giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau:

Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này;

Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).

Có thể nhận thấy việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được quy định rất chặt chẽ so với quy định tại Điều 6 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (đã được bãi bỏ bởi Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT).

Quy định tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm:

Cam kết với Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban Nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.

Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm: giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm.

Thu và quản lý tiền học thêm

Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Hiện nay, quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Trong đó, quy định các trường hợp không được dạy thêm như hông dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhất là với học sinh đang dạy chính khóa./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-va-hoc-them-co-gi-moi-post972206.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-va-hoc-them-co-gi-moi-post972206.vnp
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm và học thêm có gì mới?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO