Dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân

Lê Hòa| 14/01/2025 00:04

Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư được nghiên cứu, xây dựng để phù hợp với các chính sách pháp luật mới được quy định trong Luật PCCC và CNCH như quy định về trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và các lực lượng khác trong Công an nhân dân, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy của lực lượng Công an nhân dân, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân. Ngoài ra, bổ sung những quy định để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện quy trình nghiệp vụ về PCCC, CNCH trong lực lượng Công an nhân dân.

Kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu Đội PCCC và CNCH.
Kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu Đội PCCC và CNCH.


Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 06 chương với 32 điều và 09 phụ lục; quy định về trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và các lực lượng khác trong Công an nhân dân; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy của lực lượng Công an nhân dân; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân.

Nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân

1. Việc thực hiện công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy;

c) Nghiêm cấm lợi dụng công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Việc thực hiện nhiệm vụ thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Phân công cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của Bộ Công an để thực hiện công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

b) Công tác tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm thường xuyên, kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác và nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện công tác này;

c) Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá đúng năng lực, trình độ của cán bộ trong công tác kiểm tra nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

3. Công tác thường trực và kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Hoạt động thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo nguyên tắc tập trung mang tính chất của lực lượng vũ trang; tuân thủ quy định của pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cấp trên;

b) Bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời;

c) Thời gian thường trực của Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo chế độ 24/24 giờ hằng ngày để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống;

d) Công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá tình hình, kết quả công tác tại đơn vị được kiểm tra. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, cản trở, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.

Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong ca trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong ca trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cự thể:

1. Trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quân số thường trực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; số lượng, chủng loại, tính năng, tác dụng của các loại phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tình hình, đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của các cơ sở trên địa bàn quản lý;

b) Tổ chức giao, nhận ca trực và kiểm tra trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, phương tiện trong ca trực;

c) Tổ chức các hoạt động khác của đơn vị theo chương trình, kế hoạch công tác.

2. Trách nhiệm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ:

a) Quản lý và sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo cháy;

b) Tiếp nhận, ghi chép đầy đủ thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ vào sổ tiếp nhận thông tin báo cháy, tai nạn, sự cố theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

c) Xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ:

Cán bộ, chiến sĩ trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy Công an cấp tỉnh, Trung tâm thông tin chỉ huy 114 khi tiếp nhận thông tin báo cháy, tai nạn, sự cố thực hiện theo quy định sau: xác định rõ địa chỉ nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và nhanh chóng phát lệnh báo động đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; báo cáo trực chỉ huy đơn vị, nhận và truyền đạt lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của chỉ huy đơn vị đến các bộ phận có liên quan; chuyển phiếu chiến thuật chữa cháy cho đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí cùng địa điểm với Trung tâm thông tin chỉ huy Công an cấp tỉnh, Trung tâm thông tin chỉ huy 114).

Cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện khi tiếp nhận thông tin báo cháy, tai nạn, sự cố thực hiện theo quy định sau: xác định rõ địa chỉ nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố (nếu tiếp nhận thông tin trực tiếp) và nhanh chóng phát lệnh báo động đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; báo cáo trực chỉ huy đơn vị, nhận và truyền đạt lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của chỉ huy đơn vị đến các bộ phận có liên quan; chuyển phiếu chiến thuật chữa cháy cho người được phân công đi chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ);

d) Sau khi đã điều động lực lượng, phương tiện của đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Kiểm tra, đánh giá tính xác thực của thông tin nhận được và cập nhật những thông tin mới có liên quan đến đám cháy, tai nạn, sự cố để kịp thời thông báo cho lực lượng đang đến đám cháy, tai nạn, sự cố; đồng thời báo cáo và nhận lệnh từ trực chỉ huy đơn vị.

Thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sau: Cơ quan y tế để cấp cứu người bị nạn (nếu có); cơ quan điện lực để ngừng cung cấp điện nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; đơn vị cấp nước để phục vụ chữa cháy (nếu có); Công an cấp huyện, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ cháy, tai nạn, sự cố; cơ quan, đơn vị khác có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi có lệnh của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là người chỉ huy). Báo cáo Trung tâm thông tin chỉ huy 114 trong trường hợp bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện trực tiếp nhận được thông tin báo cháy, tai nạn, sự cố;

đ) Tổng hợp tình hình và chuyển trực ban đơn vị để báo cáo thông tin vụ việc cho cơ quan cấp trên theo quy định;

e) Trường hợp thông tin về vụ cháy, tai nạn, sự cố không thuộc phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, tai nạn, sự cố có trách nhiệm nhanh chóng thông báo thông tin tiếp nhận được cho đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, báo cáo chỉ huy đơn vị để điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nếu khoảng cách từ nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố đến đơn vị ngắn hơn đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc sẵn sàng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu chi viện, hỗ trợ.

3. Trách nhiệm cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Phải thường xuyên có mặt tại trụ sở doanh trại; khi có lệnh báo động phải nhanh chóng mặc trang phục, mang đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, lên phương tiện thường trực và nổ máy sẵn sàng xuất phát, chờ lệnh của người chỉ huy. Thời gian cán bộ, chiến sĩ lên phương tiện và nổ máy sẵn sàng xuất phát kể từ khi có lệnh báo động: Đối với phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới đường bộ không quá 90 giây; đối với tàu, xuồng, ca nô không quá 180 giây;

b) Nắm vững chức trách, nhiệm vụ được giao trong ca trực; thuần thục các kỹ thuật cá nhân, đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được giao quản lý trong ca trực; lái xe, lái tàu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông và bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ;

c) Kiểm tra tình trạng hoạt động và bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên hằng ngày hoặc trước, trong và sau mỗi lần sử dụng phương tiện PCCC và CNCH được giao quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng. Trường hợp phát hiện phương tiện không sử dụng được hoặc cần bổ sung, thay thế phải báo cáo trực chỉ huy để bổ sung, thay thế hoặc khắc phục kịp thời;

d) Trong thời gian tham gia các hoạt động học tập, tập luyện, thực tập phương án phải bảo đảm sẵn sàng đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh;

đ) Thực hiện đầy đủ việc ghi chép các loại sổ sách và các nhiệm vụ khác được chỉ huy, cấp trên giao; tham gia giao, nhận ca trực đầy đủ theo quy định.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian 60 ngày. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến chi tiết tại đây.

Theo bocongan.gov.vn
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/du-thao-thong-tu-quy-dinh-nhiem-vu-cong-tac-phong-chay-chua-chay-cuu-nan-cuu-ho-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-d1-t1639.html
Copy Link
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/du-thao-thong-tu-quy-dinh-nhiem-vu-cong-tac-phong-chay-chua-chay-cuu-nan-cuu-ho-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-d1-t1639.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO