Dự thảo bỏ chế độ biên chế suốt đời, duy trì 6 ngạch công chức
Bản dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi vừa được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội quy định phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm, giữ nội dung về ngạch công chức hiện hành.
Dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã được gửi tới các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp sẽ bắt đầu trong ít ngày tới. Dự thảo gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với quy định hiện hành.
Giữ ngạch công chức, bỏ nâng ngạch
Theo tờ trình của Chính phủ, dự Luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung về cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.
Một nội dung được chỉnh lý, thay đổi đáng kể trong bản dự thảo mới nhất này là chủ trương giữ cả quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để bảo đảm ổn định đội ngũ cán bộ, công chức.
Luật Cán bộ, Công chức và Viên chức năm 2019 quy định 6 ngạch công chức: Chuyên viên cao cấp và tương đương, Chuyên viên chính và tương đương. Chuyên viên và tương đương, Cán sự và tương đương, Nhân viên và ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Các khái niệm vị trí việc làm và ngạch được hoàn thiện để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, đào tạo, bồi dưỡng... trên cơ sở nguyên tắc khi được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng (bỏ nội dung nâng ngạch).
"Việc bố trí nhân sự vào vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với sản phẩm, kết quả cụ thể theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Nội dung vị trí việc làm của công chức theo dự thảo Luật bao gồm: Tên gọi vị trí việc làm; Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; Bản mô tả công việc (nội dung công việc và kết quả của công việc, khung năng lực); Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Vị trí việc làm được phân thành 3 loại: vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Về ngạch công chức, dự Luật giữ nguyên 6 nhóm: Chuyên viên cao cấp và tương đương; Chuyên viên chính và tương đương; Chuyên viên và tương đương; Cán sự và tương đương; Nhân viên; Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
So với bản dự thảo Bộ Tư pháp thẩm định trước đó, quy định về cơ chế, sử dụng cán bộ công chức, như vậy, đã có sự thay đổi, chỉnh lý rõ rệt.
Tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển, xét tuyển
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm.
Cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện tuyển dụng công chức vào tất cả các vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý. Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm và được bổ nhiệm vào ngạch công chức của vị trí việc làm trúng tuyển. Do đó, quy định công chức phải tập sự không còn được quy định.
Đồng thời, để thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", dự thảo Luật không quy định việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc tuyển dụng công chức do các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.
Bên cạnh đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục chế độ "biên chế suốt đời".
Cụ thể, dự Luật có quy định, việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển.
Người có tài năng từ khu vực ngoài công lập, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức, người quản lý tại doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý công chức thực hiện tuyển dụng hoặc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan sử dụng công chức thực hiện.
Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ban hành quyết định tuyển dụng, bố trí theo vị trí việc làm tuyển dụng và bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng đối với người trúng tuyển.