Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến đề nghị các sở, ngành liên quan, các địa phương ưu tiên nguồn vốn cho những người yếu thế trong xã hội |
Đến hết tháng 9/2021, tổng dư nợ TDCS đạt 3.144 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thời điểm đầu năm. Toàn tỉnh có 68.987 hộ được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Hoạt động uỷ thác nguồn vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ. Việc kiện toàn hệ thống Tổ Tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được chú trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.565 tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại tất cả thôn, bon, buôn trên địa bàn. Hoạt động giao dịch xã và điểm giao dịch xã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn phát sinh. Nguyên nhân do nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong sản xuất. Đến hết tháng 9, nợ quá hạn các chương trình TDCS là 6,2 tỷ đồng, chiếm 0,20% tổng dư nợ, tăng 1,6 tỷ đồng so với đầu năm. Việc thực hiện Nghị định 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cũng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, NHCSXH tỉnh tiếp tục tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện cho những người yếu thế trong xã hội được vay vốn đầu tư sản xuất.
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, đời sống người dân khó khăn, các huyện ưu tiên trích ngân sách uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị liên quan phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong giám sát, quản lý, tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.
Những tồn tại trong cho vay theo Nghị định 68, các sở, ngành liên quan phối hợp với NHCSXH tỉnh để tháo gỡ, từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời.