Du lịch Việt NamVÀ MỤC TIÊU 650.000 TỶ ĐỒNG NĂM 2023

Hoài Anh 10/05/2023 05:25

Ngành Du lịch đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Kết quả tích cực ở nhiều quốc gia, Việt Nam là minh chứng cho thành công của các chiến lược thu hút du khách bài bản, linh hoạt và đầy sáng tạo.

khach-quoc-te-den-vn.jpg

Phục hồi du lịch

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển" tổ chức ngày 15/3/2023, sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, trân trọng.

4_46.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023

Trong năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117; Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới. Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022.

buddy_in_hn1.jpg

Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Với những kết quả này, Việt Nam có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

    4 tháng đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2023 đạt 984,1 ngàn lượt, cao nhất tính từ đầu năm đến nay, tăng 9,9% so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý thị trường Trung Quốc tăng 61,5%. Tổng thu từ khách du lịch 4 tháng đầu năm ước đạt 196,6 ngàn tỷ đồng.

ea5fdd.png
Khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long

Tính chung 4 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách nội địa tháng 4/2023 đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có 7,0 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 4 tháng đầu năm đạt 38 triệu lượt.

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam tăng cao đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong 4 tháng, Việt Nam đã đón được gần 4 triệu lượt khách quốc tế, trong khi ngành du lịch còn 7 tháng để thực hiện kế hoạch đã đề ra.

viet-nam-3.png
Dù đang mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách đến Việt Nam trong tháng 4 vẫn tăng, thậm chí đạt mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm

Cũng theo Tổng cục Du lịch, để đạt được con số trên, ngành Du lịch đã liên tiếp tổ chức các sự kiện du lịch, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá… Năm 2023 dù mục tiêu đặt ra rất khiêm tốn, chỉ 8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng nếu tính bình quân 4 tháng đầu năm đã có 3,7 triệu lượt thì chắc chắn toàn ngành Du lịch sẽ đạt và vượt mốc chỉ tiêu đề ra. Bởi lẽ, hiện nay, Việt Nam đã có thêm những nguồn lực mới, đó là khách Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam. Thời gian tới chuẩn bị có chính sách thị thực mạnh mẽ nhất từ trước đến nay được thông qua thì chắc chắn lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Tất cả doanh nghiệp du lịch đều kỳ vọng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ vượt qua mốc 8 triệu như kế hoạch.

nam-tang-manh-1.jpg

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

 Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%". 

02-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 ngày 15/3

"Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu". 

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng liên kết nội tỉnh, liên tỉnh, nội vùng, liên vùng và mở rộng kết nối quốc tế; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, là dư địa lớn để phát triển nhân lực du lịch.

Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội.

Đất nước Việt Nam có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước.

Việt Nam có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đặc sắc riêng, hòa quyện thành một dân tộc Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử quý báu-yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hiền hậu, mến khách, đoàn kết, cần cù, chăm chỉ, linh hoạt, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương đất nước.

chieng-2.jpg
Di sản văn hóa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO  công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có "sang" cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần".

Thủ tướng cho rằng phát triển ngành Du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

e18fdf20(1).jpg
Du khách vui chơi tại Khu du lịch thác Đắk Glun (Tuy Đức)

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần…

08fd7bbe(1).jpg
Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thu hút khách tham quan

Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Việc phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm phát triển du lịch. Theo đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.

Thứ hai, phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tất cả các chủ thể liên quan, trong đó có Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng, chung tay phát triển ngành Du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ ba, tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. 

6441(1).jpg
Hồ Tà Đùng, Đắk Glong là điểm đến ấn tượng ở Đắk Nông

Phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

2-169-768x512.jpg
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác công-tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đẩy mạnh hướng dẫn du khách trên nền tảng số.

1-211-768x512.jpg
Du khách nước ngoài tham gia hát Xoan

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO