Di sản - Truyền thống

Du lịch Đắk Nông dần được “đánh thức”

Nguyễn Thị Mỹ Hằng 13/03/2024 16:21

Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành du lịch Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông.

cover-new.png

Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành du lịch Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

tit-1-new.png

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông là tỉnh không những có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch mà còn là nơi hội tụ các giá trị về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông chính là lợi thế lớn để có thể đưa du lịch Đắk Nông “cất cánh”, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

namka.jpg
Núi lửa Nâm Ka. Ảnh tư liệu

Không những vậy, Đắk Nông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi giao thoa, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử đặc sắc của 40 dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm…

brown-wooden-aesthetic-friendship-photo-collage-1-.png

Thời điểm 2004, khi mới tái lập tỉnh, ngành du lịch Đắk Nông gặp phải muôn vàn khó khăn như nền tảng kinh tế kém phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn...

tu-lieu2.png
Gia Nghĩa thời điểm trước năm 2004. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Khắc Anh, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VHTT-DL) cho biết: “Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng thời điểm mới tái lập tỉnh, tất cả đều hoang sơ và hoạt động du lịch hết sức im ắng.

Lúc này, trên địa bàn tỉnh chỉ có vài nhà nghỉ, các khu, điểm du lịch chưa được du khách biết đến nhiều, chưa có hoạt động lữ hành, các dịch vụ nhà hàng ăn uống chưa được đầu tư xây dựng… Vì vậy, thời kỳ này, nhiều người thường ví du lịch Đắk Nông như một “nàng tiên ngủ quên giữa đại ngàn”.

ong-anh-destop.jpg
Cảnh đẹp của Thác Liêng Nung, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông. Clip tư liệu
tit-2-new.png

Để khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã xác định du lịch là 1 trong 3 mũi đột phá phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy nâng cao đời sống người dân.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ dự án đầu tư ngoài ngân sách; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; Đề án phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...

ghep1.png

Cùng với việc ban hành những chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư, hàng năm tỉnh Đắk Nông luôn rà soát, bổ sung danh mục các khu, điểm du lịch có tiềm năng để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại các khu, điểm du lịch quan trọng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch (đường, điện, cấp nước)...

lai-quy-van.jpg
Vẻ đẹp thác Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Ảnh: Lại Quý Vân

Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được Đắk Nông chú trọng với nhiều hình thức. Cụ thể, địa phương phát hành đĩa DVD, xuất bản bản đồ dịch vụ du lịch Đắk Nông, các ấn phẩm du lịch, xây dựng panô quảng bá trên trục quốc lộ 14, xây dựng trang chuyên đề quảng bá du lịch trên các website của tỉnh...

Tỉnh Đắk Nông ký kết với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) về chương trình liên kết phát triển du lịch, tăng cường mối quan hệ hợp tác, quảng bá xúc tiến để thúc đẩy du lịch các địa phương cùng phát triển.

Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, một số dự án thu hút đầu tư thời gian qua chưa phát huy hiệu quả thì gần đây, tỉnh đã “xốc lại” hoạt động đầu tư du lịch bằng việc liên kết với một số địa phương, đơn vị để nghiên cứu, xây dựng đề án chiến lược nhằm đầu tư, khai thác du lịch một cách bài bản, khoa học và hiệu quả. Gần đây, tỉnh đang có sự chuyển hướng trong quảng bá, xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư vào ngành du lịch.

tit-3-new.png

Từ chỗ hầu như không có gì, sau 20 năm, đến nay du lịch Đắk Nông đã có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án kinh doanh du lịch được tỉnh cấp chủ trương đầu tư.

Trong đó, có một số dự án đi vào hoạt động và thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.

ta-dung.png
Cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi giải trí tại Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng. Ảnh: Dương Phong

Bên cạnh đó, các cơ lưu trú, dịch vụ ăn uống, khu điểm vui chơi giải trí cũng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm.

Qua đó, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách khi đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên sự khởi sắc cho du lịch Đắk Nông.

Đặc biệt, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch với 41 điểm di sản với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” gồm các tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Thanh âm từ Trái đất”…

Đắk Nông còn xây dựng được 4 sản phẩm du lịch chính gồm sản phẩm du lịch gắn liền với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

box1.jpg

Minh chứng cho sự phát triển của du lịch Đắk Nông trong 20 năm qua thể hiện rõ lượng du khách và doanh thu. Nếu như năm 2006 có 110.000 lượt khách đến tham quan tại Đắk Nông thì đến năm 2022 có 512.500 lượt, tăng 368,6%.

Doanh thu du lịch năm 2006 đạt 4,5 tỷ đồng thì đến năm 2022 đạt 65 tỷ đồng, tăng 1.344,4%. Riêng năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Đắk Nông đạt 679.000 lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 5.400 lượt, tăng 170%, tổng doanh thu ngành du lịch 160 tỷ đồng, tăng 146,1% so với năm 2022.

Thưởng ngoạn trên lòng hồ Tà Đùng - được ví như "Vịnh Hạ Long Tây Nguyên" (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Clip tư liệu

Toàn tỉnh hiện có 306 cơ sở lưu trú, với tổng số 3.607 phòng. Trong đó có 40 khách sạn, với 781 phòng; 248 nhà nghỉ, nhà khách với khoảng 2.546 phòng; 18 cơ sở lưu trú khác với khoảng 280 phòng, lều lưu trú.

Hiện nay, tỉnh có 2 cơ sở lưu trú được xếp hạng 3 sao, 4 cơ sở được xếp hạng 2 sao và 15 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Ngoài ra, hiện nay tỉnh Đắk Nông có 3 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Dịch vụ vận chuyển, ẩm thực cũng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn uống của du khách...

ta-dung2.png
Khách du lịch đến với Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Ảnh: Dương Phong

Có thể thấy, du lịch Đắk Nông có bước phát triển như ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Đắk Nông với nhiều chính sách hết sức đúng đắn.

Từ chưa có gì, nhưng đến nay qua 20 năm, du lịch Đắk Nông được du khách trong và ngoài nước biết đến. Số lượng khách đến tham quan ngày càng đông và doanh thu du lịch cũng tăng dần theo các năm.

Du lịch cũng tác động đến kinh tế - xã hội và người dân của Đắk Nông. Người dân có thể cảm thấy mình có cuộc sống sung túc hơn, văn minh, văn hóa hơn và nhất là được giao tiếp với nhiều du khách ở mọi miền.

Đây là thành tựu rất lớn đối với Đắk Nông vì du lịch đã góp phần làm cho đời sống của người dân không những phong phú hơn về văn hóa, tinh thần mà còn vững mạnh về kinh tế.

box2.jpg

Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông hiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch như việc triển khai các gói kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.

Công tác quảng bá du lịch cũng được tỉnh chú trọng đẩy mạnh thực hiện, thông qua hình thức băng rôn, banner, hộp đèn; phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

ba-thoi-destop.jpg

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, qua 20 năm, du lịch Đắk Nông có bước phát triển mới, nhưng nguồn lực và tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Du khách đến phần lớn là từ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố bạn đưa đến, hay chỉ ghé tham quan vài điểm ở Đắk Nông rồi đi tỉnh khác. Số lượng khách lưu trú qua đêm còn rất thấp.

Mặt khác, Đắk Nông chưa có các hoạt động vui chơi giải trí, những dịch vụ khám phá hấp dẫn về đêm. Tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên, vật thể và phi vật thể chưa được đầu tư chọn lọc đưa vào phục vụ hoạt động du lịch.

Những vấn đề khác như nguồn nhân lực, an ninh trật tự chung và nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển du lịch bền vững... vẫn là những thách thức không nhỏ đối với Đắk Nông...

Đây là những vấn đề tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và đang tiếp tục có những giải pháp cần thiết để tháo gỡ, nhằm thúc đẩy du lịch Đắk Nông lên tầm cao mới, thực sự là mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội.

MỸ HẰNG
(Bài viết có sử dụng một số hình ảnh tư liệu, sưu tầm)

end.png
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Du lịch Đắk Nông dần được “đánh thức”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO