'Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ là tuyến đường đẹp'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành nếu được đầu tư sẽ là tuyến đường đẹp, được người dân Đông Nam Bộ chờ đợi.
Tại phiên thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP HCM.
Ông Thắng có niềm tin rằng dự án sẽ thu hút được nhà đầu tư khi thời gian dự kiến thu phí không quá dài, chỉ khoảng 18 năm. Dự án cũng được đảm bảo lãi suất ngân hàng, tỷ suất đầu tư, tương đồng với 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP trên trục Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành.
Theo Bộ trưởng, nhiều dự án BOT giai đoạn trước có thời gian thu phí tới 30 năm vì không có vốn Nhà nước tham gia. Nhưng dự án này sẽ có phần vốn góp của Nhà nước, không có rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trước kia các tuyến cao tốc chưa được đầu tư nhiều do không lo được vốn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang làm cao tốc từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau, "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn".
Lãnh đạo Chính phủ nói nếu dự án được triển khai, công tác đấu thầu phải minh bạch, tránh quân xanh, quân đỏ hay tìm cách hợp thức hóa sai phạm. Ông cũng hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ thực hiện dự án vì "đây là con đường chiến lược" đi đến Tây Nguyên nhanh nhất.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư dài 128,8 km. Đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua tỉnh Bình Phước 101 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.500 tỷ đồng, gồm gần 12.800 tỷ đồng vốn Nhà nước, còn lại do nhà đầu tư thu xếp.
Có trạm dừng nghỉ được đấu thầu đến 200 tỷ đồng
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc đã được quy hoạch, quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc cũng được ban hành. Trạm dừng nghỉ sẽ dành diện tích xây dựng trạm sạc tương đương với thế giới. "Châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc có gì, Việt Nam có đầy đủ như vậy", ông nói.
Bộ trưởng cho biết dự kiến toàn bộ khu vực cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ. Hiện các dự án xây trạm dừng nghỉ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Có một trạm định giá khởi điểm khoảng 120 tỷ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hệ thống trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông gồm 36 trạm. Trong đó, có 6 trạm đã đưa vào khai thác, 3 đang đầu tư và 27 chưa xây dựng.
Ngoài 8 trạm sắp được xây dựng, 19 trạm còn lại phần lớn trên tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư triển khai các thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư để đưa vào khai thác trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành dự án thành phần đường cao tốc năm 2025.
Mỗi trạm dừng nghỉ sẽ có các dịch vụ công được cung cấp miễn phí như bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, ăn uống, trạm xăng, sạc điện, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện...