Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng yen liên tục mất giá trong thời gian gần đây đang gây ra những xáo trộn tại Nhật Bản.
Một mặt sự mất giá được xem là yếu tố có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chế tạo và ngành du lịch, nhưng mặt khác tình trạng này kéo dài đang làm nảy sinh những tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội Nhật Bản.
"Cú hích" cho xuất khẩu, du lịch và tăng trưởng GDP
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong ba tháng tính đến cuối tháng Sáu do đồng tiền yếu của nước này đã thúc đẩy xuất khẩu.
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/9 cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đã tăng hơn ba lần trong tháng Bảy so với một năm trước đó, lên mức 2.770 tỷ yen (19 tỷ USD).
Ngành sản xuất ôtô trên thế giới đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt trên toàn cầu sau khoảng thời gian dịch COVID-19 kéo dài khiến lĩnh vực này bị trì trệ.
Ngoài ra, tình trạng đồng yen suy yếu so với đồng USD cũng góp phần thúc đẩy số liệu kinh doanh của Toyota, trong bối cảnh lãi suất của Mỹ và Nhật Bản có sự chênh lệch lớn. Lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô trong nước - bao gồm Toyota, Honda và Nissan - đã được tăng lên trong những tháng gần đây khi họ nhận thấy nhu cầu xuất khẩu tăng lên.
Về du lịch, số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng khi Nhật Bản chứng kiến sự hồi sinh của ngành du lịch trong những tháng gần đây sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến COVID-19.
Thặng dư du lịch của Nhật Bản đạt 336,8 tỷ yen, mức lớn nhất trong tháng Bảy kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1996.
Thặng dư du lịch có nghĩa là số tiền mà du khách nước ngoài chi tiêu khi du lịch tại Nhật Bản vượt quá số tiền mà người Nhật chi tiêu ở nước ngoài. Điều này rõ ràng là nhờ sức hút của đồng yen yếu.
Một trong những động thái đáng chú ý gần đây nhất là việc ngày 7/9, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định các điều khoản của đợt chào bán trái phiếu Samurai lần đầu tiên của nước này, nhằm tận dụng chi phí vay ở Nhật Bản được đánh giá là đang ở mức thấp và ổn định.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết việc phát hành trái phiếu bằng đồng yen lãi suất thấp sẽ giảm chi phí huy động vốn vào thời điểm lãi suất cao toàn cầu, cũng như giúp nước này đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Sức mua của hộ gia đình giảm mạnh
Thế nhưng, đồng tiền yếu khiến hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn. Theo Marcel Thieliant của Capital Economics, có hiện tượng sụt giảm tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.
Đồng yen yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, làm giảm mạnh sức mua của các hộ gia đình, khiến Thủ tướng Fumio Kishida phải nỗ lực tìm kiếm các biện pháp trợ cấp giá bán lẻ xăng dầu và giảm mức độ gia tăng chi phí điện.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống, đã tăng 3,1% trong tháng Bảy so với một năm trước đó.
Chuyên gia Daisuke Iijima của Teikoku Databank dự báo giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, đồng thời lưu ý rằng thông thường phải mất khoảng hai đến ba tháng để việc tăng giá của các nhà sản xuất được phản ánh tại siêu thị.
Đồng yen yếu cũng đã đẩy giá xăng ở Nhật Bản lên mức cao nhất trong 15 năm vào tuần đầu tháng Chín, buộc chính phủ phải tiếp tục trợ cấp để giảm bớt gánh nặng cho người lái xe.
Theo Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng, giá bán lẻ xăng thường ngày 3/9 là 185,6 yen (1,28 USD)/lít, tăng 1,9 yen so với tuần trước đó, tăng trong mười lăm tuần liên tiếp.
Chuyên gia Nogami nhận định: “Chìa khóa xoay chuyển tình thế là việc cắt giảm lãi suất của Mỹ. Nếu đồng USD giảm một chút thì đồng yen sẽ tăng, điều đó có nghĩa là giá xăng có thể sẽ giảm.”
Áp lực từ chính sách tiền tệ
Yếu tố chính đằng sau sự yếu kém của đồng yen vẫn không thay đổi, đó là khoảng cách lãi suất ngày càng lớn với Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Các nhà giao dịch tiền tệ vẫn lo lắng về việc BoJ có hành động can thiệp, vì đồng yen đã tiến vào cùng vùng khiến chính quyền Nhật Bản bán mạnh đồng USD vào tháng Chín và tháng 10 năm ngoái.
Nhật Bản đã chi hơn 9.000 tỷ yen (62 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ vào năm ngoái để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng yen, mua đồng yen vào tháng Chín và tháng Mười - lần đầu tiên ở mức khoảng 145 yen đổi 1 USD và một lần nữa ở mức thấp nhất trong 32 năm chỉ gần 152 yen đổi 1 USD.
Chuyên gia Kichikawa cho rằng từ góc độ kinh tế vĩ mô thuần túy, các quan chức không buộc phải ngăn chặn sự suy yếu của đồng yen khi đồng tiền này chưa vượt ngưỡng 150 yen/USD.
Tuy nhiên, Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại T Rowe Price, lại nhận định: “Với khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản khi giá sản xuất và dịch vụ đang tăng đáng ngạc nhiên, tôi tin rằng sẽ có áp lực lớn hơn đối với BoJ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn để chống lại sự mất giá của đồng yen.”
Khi tỷ giá của đồng yen Nhật ngày 7/9 rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và có nguy cơ giảm xuống dưới mức thấp nhất của năm ngoái là 151,94 yen đổi 1 USD, chính phủ đã bắt đầu tăng cường can thiệp bằng những tuyên bố để ngỏ các dấu hiệu về khả năng có động thái để ngăn chặn.
Cho dù vậy, các chuyên gia cho rằng sự yếu kém hiện tại của đồng yen phản ánh chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với các thị trường khác, vì vậy sẽ khó ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng yen.
Tohru Sasaki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Nhật Bản tại J.P. Morgan, dự đoán: “Khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản với nước ngoài sẽ tăng lên gần 5 điểm phần trăm vào cuối năm 2023.”
Tài sản tài khoản nội bộ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Nhật Bản, phản ánh quy mô của giao dịch mua bán, đạt tổng cộng 10.000 tỷ yen trong tháng Bảy, vẫn thấp hơn một nửa mức cao nhất năm 2007.
Điều này có nghĩa là vẫn còn dư địa đáng kể để mở rộng giao dịch mua bán, động thái sẽ làm cho đồng yen tiếp tục suy yếu.
Các nhà đầu cơ vẫn có động lực mạnh mẽ để bán đồng yen. Theo xu hướng được Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ thống kê, các nhà đầu cơ đã bán ròng kể từ tháng 3/2021.
Chu kỳ bán đồng yen hiện tại đã trở thành chu kỳ dài thứ hai kể từ năm 2000. Chu kỳ dài nhất kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015, trùng với thời điểm áp dụng chính sách kinh tế "Abenomics" và chính sách cực kỳ tích cực của BoJ về "nới lỏng tiền tệ chưa từng có."
Chu kỳ này vẫn tiếp tục vì có rất ít lo lắng về việc bán đồng yen, trong khi BoJ đi ngược lại các ngân hàng trung ương khác và tuân thủ chính sách tín dụng siêu lỏng của mình.
Những lợi ích và thiệt hại mà đồng yen yếu đem đến đã trở nên rất rõ ràng. Chắc chắn, chính phủ vẫn luôn phải thận trọng khi tình trạng này kéo dài./.