Xây dựng Đảng

Đồng thuận xã hội – Động lực phát triển Đắk Nông

P.V 30/11/2024 16:01

Đắk Nông đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Trong hành trình này, sự đồng thuận xã hội đóng vai trò cốt lõi, động lực giúp tỉnh vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội.

Hiện thực hóa đồng thuận xã hội

Các nghị quyết quan trọng của Đắk Nông trong thời gian qua đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội.

66ffd6(1).jpg
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Đắk Nông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã nêu rõ quan điểm: Kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương trên cơ sở nắm vững, bám sát và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt sát với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2020 – 2025, Đắk Nông đã hiện thực hóa quan điểm tạo đồng thuận xã hội bằng cách cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đồng thời vận dụng linh hoạt trong thực tiễn. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng hay bảo vệ môi trường của tỉnh đều hướng đến mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án lớn như Nhà máy Alumin Nhân Cơ, mở rộng đường giao thông… chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông đã tăng cường đối thoại, giải thích rõ ràng và lắng nghe ý kiến của người dân.

z5741667388063_e251a7987fcf3ef5646db249108b9de8(1).jpg
Đắk Nông tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân trong giải phóng mặt bằng các dự án

Theo UBND huyện Đắk R’lấp, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ tại huyện Đắk R’lấp, bên cạnh sự ủng hộ tích cực từ đông đảo người dân, vẫn còn một số hộ chưa đồng thuận, chủ yếu do chưa thống nhất về mức bồi thường và chưa hiểu rõ ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền huyện Đắk R’lấp đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Cán bộ tham gia công tác bồi thường tuyên truyền, vận động, giải thích cụ thể, rõ ràng những băn khoăn mà Nhân dân chưa hiểu rõ. Đồng thời nêu lên những lợi ích mà các dự án mang lại cho đời sống xã hội tại địa phương, từ đó giảm thiểu những hiểu lầm hoặc lo ngại. Khi phát sinh vướng mắc, kiến nghị của người dân, UBND huyện Đắk R’lấp đã đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đối thoại, những vấn đề người dân nêu ra hợp lý đều được kịp thời ghi nhận, UBND huyện kiến nghị lên cấp trên nhằm điều chỉnh, bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình được đền bù, giải tỏa, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, hạn chế được nhiều kiến nghị không hợp lý.

Theo ông Phan Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, công tác bồi thường, hỗ trợ đã đạt nhiều kết quả khả quan. Từ đó, không chỉ giúp dự án vận hành thuận lợi mà còn củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Đắk R’lấp tiếp tục duy trì quan điểm phát triển công nghiệp hài hòa, bền vững, thân thiện với môi trường, lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm. Sự đồng thuận xã hội, một lần nữa, chính là chìa khóa để huyện Đắk R’lấp vượt qua mọi thách thức, thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

d(1).jpg
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động góp phần

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là minh chứng điển hình cho sức mạnh của sự đồng thuận xã hội tại Đắk Nông. Nhờ sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, đến nay, tỉnh đã có 40/60 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng từ sự đóng góp của cộng đồng, cả về công sức lẫn tài chính.

Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân không chỉ hiến đất mà còn tích cực tham gia giám sát, bảo đảm các công trình được thực hiện đúng mục đích, đạt chất lượng. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động hiệu quả, giúp Nhân dân nhận thức rõ lợi ích lâu dài của các dự án.

Tăng cường đồng thuận xã hội

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Đắk Nông vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc xây dựng đồng thuận xã hội. Một số vấn đề như xung đột lợi ích khi thực hiện các dự án lớn, sự chênh lệch phát triển giữa các khu vực, hay tâm lý e ngại thay đổi trong cộng đồng vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả. Một số chính sách còn chậm triển khai hoặc chưa phù hợp thực tiễn, dẫn đến sự thiếu đồng thuận từ phía người dân.

Để khắc phục những thách thức này, Đắk Nông tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đều nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành phải tập trung phổ biến, giải thích rõ ràng những lợi ích lâu dài của các chương trình, dự án, bảo đảm người dân hiểu và đồng thuận, từ đó hạn chế khiếu nại, khiếu kiện không đáng có.

z5202109488279_e243fcc882c91eaf2ca675e65d0e53c6.jpg
Bộ đội cùng giúp dân sản xuất

Đắk Nông huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để làm cầu nối tuyên truyền. Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành phải được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ nhằm tạo hiệu quả cao trong vận động và đối thoại với người dân.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường minh bạch, công khai các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và các dự án đầu tư. Việc công bố thông tin kịp thời, đầy đủ sẽ giúp củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền các cấp được chỉ đạo phải chủ động lắng nghe, đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị chính đáng.

Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số, để nâng cao nhận thức về lợi ích của sự đồng thuận xã hội. Vai trò của các già làng, người có uy tín cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong việc kết nối giữa chính quyền và Nhân dân.

Đồng thuận xã hội không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Từ các nghị quyết mang tầm chiến lược đến những hành động cụ thể, Đắk Nông đã và đang chứng minh rằng, khi có sự đồng lòng, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đồng thuận xã hội – Động lực phát triển Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO