---- Chính trị

Động lực từ Nghị quyết 23

Đức Diệu 01/09/2023 06:00

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết toàn diện, dài hơi và đáp ứng thực tiễn lãnh đạo trong phát triển Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Tăng tính liên kết vùng

Tây Nguyên là vùng địa chiến lược trong lộ trình phát triển của cả nước, hội đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển hài hòa, toàn diện. Tuy nhiên, thực tế do nhiều nguyên nhân mà những lợi thế nội vùng vẫn chưa phát huy tốt để phục vụ mục tiêu phát triển. Một trong những nguyên nhân được nhận diện đó là tính liên kết còn lỏng lẻo; việc phát triển các lợi thế đang bị chồng lấn, thiếu sự cộng hưởng dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

img_3342(1).jpg
Các mặt hàng thế mạnh của Đắk Nông được giới thiệu, quảng bá rộng rãi

Những vấn đề này đã được Bộ Chính trị nhận diện và đưa vào Nghị quyết 23 để lãnh đạo, phát triển Tây Nguyên.

Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên trước đây chỉ đề ra mục tiêu tổng quát trong từng giai đoạn 10 năm. Nghị quyết 23 lần này đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng.

avatar-1-.jpg

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 23 phấn đấu đến năm 2030, "Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế."

Trong các nhóm giải pháp đề ra để thực hiện mục tiêu, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Nghị quyết 23 cũng đề cập đến tính liên kết giữa Tây Nguyên trong mục tiêu phát triển chung của quốc gia; mục tiêu phát triển liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng…

Có thể thấy, những điểm nghẽn trong phát triển vùng Tây Nguyên đã được nhận diện và khơi thông trong công tác lãnh đạo của Đảng. Đây chính là động lực để Nhà nước, các địa phương nội vùng cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện trong giai đoạn trước mắt và dài hơi.

dien-tu-nghi-quyet-23.jpg
Đồ họa: Việt Dũng

Nghị quyết đang “bám rễ” thực tiễn

Về liên kết vùng, hiện nay, Tây Nguyên đang có những chuyển biến tích cực trước hết bằng việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, yếu tố liên kết cơ học quan trọng của nội vùng và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Việc khởi động 2 tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)-Khánh Hòa là những chuyển động đầu tiên trong việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 23 trong việc từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, tăng tính liên kết vùng và nội vùng, phục vụ yêu cầu phát triển. Những con đường mơ ước này sẽ là động lực mới cho vùng Tây Nguyên phát huy lợi thế địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.

do-hoa-hop-tac.jpg

Từ tinh thần Nghị quyết 23, mới đây, hàng loạt sự kiện liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã diễn ra. Đó là Hội nghị ký kết hợp tác phát triển giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh diễn ra tại Lâm Đồng. Kế tiếp, Hội nghị trao đổi, thống nhất Kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên diễn ra tại Đắk Nông một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong vấn đề tăng cường liên kết, phát triển toàn diện và hiệu quả. Một trong những điểm mới ở cam kết liên kết lần này là các bên đã đưa ra những nội dung và mục tiêu rất cụ thể cho từng lĩnh vực hợp tác.

Từ Nghị quyết 23, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch để thực hiện trên cơ sở mục tiêu chung của nội vùng và điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Với những hành động và quyết tâm cao, thời gian tới, chúng ta kỳ vọng ở một Tây Nguyên có sự bứt phá ngoạn mục trên nền tảng liên kết hợp lý, hài hòa và sáng tạo.

Quyết tâm của Đắk Nông

Ngay sau khi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ban hành, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 64-CTr/TU để triển khai thực hiện. Điều này thể hiện quyết tâm của Đắk Nông trong việc khẳng định vai trò, vị trí của mình trong vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

info-11-chi-tieu.jpg

Chương trình đưa ra mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, xây dựng Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxit - nhôm quốc gia. Phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với các ngành hàng chủ lực của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, theo chuỗi giá trị; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc gia gắn với trung tâm chế biến.

Đến năm 2030, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị, nông thôn và hạ tầng xã hội Đắk Nông được đầu tư hệ thống và đồng bộ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên.

Đắk Nông đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó, một số chỉ tiêu thể hiện sự quyết tâm cao của một tỉnh trẻ đang trên đà bứt phá.

Cụ thể, Nghị quyết 23 đưa ra mục tiêu chung cho toàn vùng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. Về nội dung này, Đắk Nông đưa ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 9,05%. Nghị quyết 23 đưa ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đắk Nông đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%...

6-nhom-nhiem-vu.jpg

Về nhựa hóa đường bộ, giáo dục, y tế, Đắk Nông cũng đặt ra mục tiêu cao hơn so với mục tiêu chung toàn khu vực. Bám sát dư địa phát triển để đề ra mục tiêu phù hợp, Đắk Nông đang thể hiện quyết tâm và khát vọng của một tỉnh trẻ trên lộ trình phát triển. Do thành lập sau, nên nhiều lĩnh vực, Đắk Nông đang cần bứt tốc để rút ngắn khoảng cách với các tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển lâu năm. Trong chiến lược thu hút nguồn lực, Đắk Nông là một trong những địa phương thể hiện rõ ràng và nhất quán chủ trương mở cửa đón nhận các nhà đầu tư thiện chí.

Phát triển vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng không chỉ là mối quan tâm của bản thân nội vùng mà của cả nước. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chính là quyết tâm nhất quán, xuyên suốt về quan điểm phát triển vùng của Đảng, động lực to lớn để các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết, huy động nguồn lực trong phát triển toàn diện và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực từ Nghị quyết 23
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO