Giáo dục - Đào tạo

Động lực trước thềm năm học mới

Nguyễn Hiền 05/09/2024 05:24

Trước thềm năm học mới 2024-2025, đội ngũ cán bộ, giáo viên, vui mừng phấn khởi khi được áp dụng cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Đây chính là động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên càng thêm tâm huyết, cống hiến với nghề.

Thắp thêm niềm tin yêu với nghề

Nhiều giáo viên cho rằng, hiện nay vật giá leo thang, với mức lương cũ giáo viên phải tính toán chi tiêu kỹ lưỡng, nhất là những cặp vợ chồng trẻ, có con đang tuổi đến trường. Mức lương không đủ chi trả cho cuộc sống nên nhiều giáo viên phải kiếm thêm công việc khác để tăng thu nhập cho gia đình. Từ khi được tin tăng lương, nhiều giáo viên phấn khởi, sắp xếp lại thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn của mình.

img_8956.jpg
Việc được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 đã tạo nhiều niềm vui, phấn khởi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trước thềm năm học mới 2024-2025

Cô giáo Lê Thị Phụng, Trường THCS Lê Quý Đôn ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên, gắn bó nhiều năm với nghề. Với mức lương trước đây chỉ đáp ứng được cơ bản nhu cầu cuộc sống. Nếu gia đình nào có người ốm đau, con tuổi ăn học thì khá chật vật. Khi được hưởng theo mức lương mới, hai vợ chồng tăng hơn 5 triệu đồng nên đã giải quyết được phần nào gánh nặng về thu nhập để có thể chu toàn việc gia đình và làm tốt trách nhiệm người giáo viên hơn".

Theo tinh thần Nghị quyết 27, giáo dục và y tế là 2 ngành được tăng lương nhiều nhất khi bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, việc cải cách bị hoãn lại nên lương giáo viên vẫn có mức tăng ngang bằng so với các đối tượng cán bộ, công chức và viên chức khác, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30% (540.000 đồng/tháng). Giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng các loại phụ cấp như phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp công tác Đảng, phụ cấp công vụ… Với việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng khiến thu nhập giáo viên (bao gồm cả các khoản phụ cấp) được cải thiện đáng kể, ít nhất tăng là 30%. Việc tiếp tục giữ nguyên phụ cấp thâm niên giúp củng cố thêm niềm tin với nghề, tạo động lực cho giáo viên tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Với việc được tăng lương cơ sở, cán bộ, giáo viên các nhà trường rất phấn khởi và hy vọng chính sách tiền lương mới giúp giáo viên sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề. Đối với giáo viên mầm non và giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì việc tăng lương càng tạo thêm động lực để cán bộ, giáo viên bám trường, bám lớp.

Bà Vũ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Lần này mức lương cơ sở được tăng nhỉnh hơn những lần trước nên cán bộ, giáo viên rất phấn khởi. Tôi dạy ở xã vùng sâu Đắk Ngo hơn 20 năm nay, hàng tháng vẫn phải “giật chỗ nọ, vá chỗ kia” để đủ chi phí cho gia đình và lo cho các con ăn học. Với mức lương mới tôi được tăng khoảng hơn 4 triệu đồng, giúp gia đình tôi giải quyết được rất nhiều vấn đề để có thể chuyên tâm hơn nữa trong công tác quản lý, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Giáo viên ở trường được tăng lương cũng phấn khởi, tin tưởng hơn”.

Động lực để cống hiến

Cũng theo bà Huyền, với đặc thù nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường rất vất vả, thiệt thòi về mọi mặt. Việc được cải thiện thu nhập như một luồng gió mới. Điều này không chỉ góp phần cải thiện đời sống mà còn như một sự quan tâm, động viên từ Đảng, Nhà nước để đội ngũ tiếp tục khắc phục khó khăn, bám trụ vì học trò của mình nơi vùng khó.

img_2805.jpg
Giáo viên Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa phải đến trường từ ngày 1/8 để làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí trường, lớp nhằm đón trẻ tựu trường và khai giảng năm học mới

Giáo viên mầm non lâu nay được xem là những cô giáo đa năng vì ngoài chăm sóc và nuôi dạy trẻ còn phải làm rất nhiều việc “không tên”… Việc được tăng lương là một trong những niềm động viên lớn đối với giáo viên mầm non.

Cô giáo Trần Thị Thành, giáo viên Trường mầm non Hoa Bưởi, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Do đặc thù riêng nên giáo viên mầm non cũng có phần vất vả hơn khi kiêm nhiệm nhiều công việc và mất nhiều thời gian hơn. Được tăng lương, tôi rất vui cho bản thân và cũng mừng cho cán bộ, giáo viên nói chung, cán bộ, giáo viên bậc mầm non nói riêng. Dù vất vả mấy nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm tôi và những giáo viên khác cũng cảm thấy xúc động, tự hào về mình là người giáo viên. Tôi sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mình để dạy và chăm sóc trẻ tốt hơn nữa".

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đã xác định chủ đề năm học 2024-2025 là: Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng. Năm học 2024-2025 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được đặt ra đòi hỏi ngành Giáo dục phải thật nỗ lực, đoàn kết và trách nhiệm. Nhiệm vụ trước mắt của ngành là tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là xây dựng phương án và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình 2018; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học…

Có thể nói, đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố nòng cốt, tiên quyết để đạt được các mục tiêu của ngành Giáo dục. Việc tăng lương giúp cán bộ, giáo viên bảo đảm về cuộc sống, giảm áp lực về tài chính, tập trung thời gian, tâm trí để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người”.

img_9611.jpg
Việc được tăng lương cơ sở giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước giảm áp lực kinh tế để chuyên tâm hơn cho việc nâng cao chất lượng dạy học

Việc tăng mức lương cơ sở giống như chiếc đòn bẩy để toàn ngành thêm sức mạnh, động lực nâng cao hơn chất lượng giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn ngành Giáo dục đang khó khăn vì tuyển dụng biên chế giáo viên, chỉ tiêu hợp đồng để phục vụ năm học mới, thì việc tăng lương cơ sở cũng phần nào tạo thêm hy vọng, niềm tin cho toàn ngành trong việc giảm thiểu áp lực khi thiếu giáo viên.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Động lực trước thềm năm học mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO