Nông nghiệp - Nông thôn

Động lực phát triển mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV 14/07/2023 15:29

Nguồn vốn đầu tư lớn và các mục tiêu, giải pháp cụ thể, 3 chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ tạo động lực phát triển mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

dsc_0053(1).jpg
Đường về bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, Đắk Nông đã được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Lê Tuấn

Hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông về giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì các chỉ tiêu cụ thể hướng tới là rất rõ ràng và khá toàn diện.

Cụ thể, đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Quan trọng hơn là giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh. Chương trình sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi/năm trong giai đoạn là giảm 5%. Xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 7/12 xã, đạt tỷ lệ 58,33%. Thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 20/40 thôn, đạt tỷ lệ là 50%. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Triển khai thực hiện chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách. Chương sẽ tạo động lực để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đến cuối năm 2025, toàn có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí nông thôn mới; có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (phấn đấu 3 huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk R’lấp đạt chuẩn huyện nông thôn mới). Chương trình hướng tới xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn bảo đảm đồng bộ đáp ứng nhu cầu của người dân; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm an ninh nông thôn.

Tổng nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia
triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.394,325 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.136,614 tỷ đồng; nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 502,591 tỷ đồng; nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 755,120 tỷ đồng.

Lấy kết quả thực hiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kết quả giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt được đến nay còn thấp. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng số vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới thực hiện được 234,744 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch giao.

Để bảo đảm hiệu quả việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Đắk Nông cam kết trong năm 2023 sẽ giải ngân 100% vốn. Hiện nay, phần đối ứng của địa phương đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đắk Nông đang tranh thủ thời tiết mùa khô triển khai các công việc của chương trình. Tỉnh Đắk Nông kiến nghị, các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn 1 số nội dung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

1-1-.jpg
Một góc khu dân cư bon Pi Nao, xã xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông. Ảnh: Lê Tuấn

Trên cơ sở cam kết trong nỗ lực thực hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được phân bổ. Kết quả giải ngân của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được phân công theo dõi, thực hiện là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. UBND tỉnh cũng nêu rõ, trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn theo tiến độ, kế hoạch đã đề ra sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo rõ, phải thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho cơ sở. Trong quá trình thực hiện, nguyên tắc dân chủ phải bảo đảm, công khai minh bạch, tăng cường lồng ghép thực hiện các dự án. Trong quá trình thực hiện, các ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai đạt hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn và nhanh chóng tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Có thể nói, 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tạo động lực rất lớn đối với sự phát triển của vùng nông thôn nói chụng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trong đó, đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ được nâng cao.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Động lực phát triển mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO