Kinh tế

Động lực phát triển cà phê bền vững cho nông dân Đắk Nông

Hưng Nguyên 10/12/2024 06:30

Giá cà phê tăng cao đang là động lực lớn để người dân Đắk Nông đầu tư bài bản, bền vững vào loại cây trồng này.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nin, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) trồng 4ha cà phê. Sau nhiều năm canh tác, anh Nin đã tiến hành tái canh bằng cách ghép. Hiện vườn cà phê sau tái canh của gia đình thu hoạch đạt từ 3-5 tấn/ha.

dsc01986(1).jpg
Cà phê giá cao cơ hội để anh Nguyễn Văn Nin, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đầu tư bài bản, bền vững vào cà phê

Ngoài việc tái canh bằng giống cà phê mới, anh Nin còn thay đổi phương pháp canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Nin không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu hái cà phê chín với tỷ lệ đạt trên 70%.

Anh Nin chia sẻ: "Năm nay, giá cà phê tăng, tôi sẽ không chạy theo việc mở rộng diện tích mà duy trì diện tích cà phê hiện có và tăng chi phí đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế".

Giá cà phê tăng cao trong năm 2024 đã mang lại niềm phấn khởi cho người trồng cà phê tại Đắk Nông. Đây là yếu tố giúp người dân yên tâm đầu tư vào cây cà phê một cách bài bản hơn, giúp cây cà phê phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cà phê của tỉnh.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, trước sự tăng giá cà phê, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không phá vỡ quy hoạch sản xuất, tránh trồng mới cà phê trên đất không phù hợp hoặc đất rừng bị xâm hại.

Thay vào đó, việc tái canh các vườn cây già cỗi bằng giống năng suất, chất lượng cao đang được khuyến khích nhằm tối ưu hóa giá trị kinh tế trên diện tích hiện có.

Để phát triển bền vững cây cà phê, Đắk Nông đã quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh với sự chủ trì của ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất cà phê, từ các quy trình canh tác mới đến việc áp dụng công nghệ cao.

Điều này không chỉ nâng cao năng suất mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường.

Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân để hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn với chế biến sâu.

Đắk Nông đặt mục tiêu phát triển các vùng sản xuất cà phê đặc sản phù hợp với điều kiện từng khu vực, nhằm tạo nên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.

dsc05073(1).jpg
Cà phê giá cao là cơ hội để Đắk Nông phát triển bền vững loại cây trồng này

Hiện nay, nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê, Đắk Nông đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về các quy định như Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR).

Việc bảo đảm truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong sản xuất là yếu tố quyết định để cà phê Đắk Nông chinh phục thị trường châu Âu.

Tỉnh đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, IDH để triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu vùng trồng, cũng như các mô hình chuyển đổi sinh kế tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao.

Cùng với việc xúc tiến đầu tư, tỉnh đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và thương hiệu cà phê riêng, tạo nền tảng để gia tăng giá trị xuất khẩu và khẳng định vị thế cà phê Đắk Nông trên bản đồ thế giới.

Cà phê là cây lâu năm, việc định hướng chiến lược và giải pháp đồng bộ, bền vững trong những năm qua đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị cây cà phê, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Năm 2024, Đắk Nông có 131.000ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 343.540 tấn. Năm nay giá cà phê liên tục tăng cao, đỉnh điểm giá cà phê chốt giao dịch trên 130.000 đồng/kg. Hiện nay giá cà phê đã hạ nhiệt xuống dao động trên dưới 120.000 đồng/kg.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Động lực phát triển cà phê bền vững cho nông dân Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO