Văn hóa

Động lực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa

Giang Nam 05/12/2024 09:02

Thời gian qua, thành phố Hà Nội không chỉ tập trung khai thác di sản để phát triển công nghiệp văn hóa, mà còn tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng, đưa Hà Nội thành "thành phố sự kiện". Điển hình như các sự kiện mới đây: Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội Văn hóa ẩm thực… đều thu hút hàng trăm nghìn người tham dự. Những hoạt động này tạo ra diện mạo mới mẻ, là động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo là sự kiện văn hóa lớn nhất của Hà Nội trong năm 2024.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo là sự kiện văn hóa lớn nhất của Hà Nội trong năm 2024.

Nếu như trước đây, Hà Nội nổi tiếng với những lễ hội truyền thống thường diễn ra vào mùa xuân, thì hiện nay, những lễ hội, những sự kiện văn hóa diễn ra quanh năm.

Thành phố của sự kiện và lễ hội

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 tổ chức tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) vừa khép lại trong sự phấn khởi của cả ngành văn hóa, cũng như các nghệ nhân, các thương hiệu ẩm thực của Thủ đô. Con số gần 110 nghìn người tham dự đã phản ánh sức hút của sự kiện. Những gian hàng bán các đặc sản truyền thống của Hà Nội như: Phở, bún ốc, bánh tôm, cốm Vòng…, khách luôn phải xếp hàng dài để chờ đến lượt thưởng thức. Những món ăn mới lạ như: Cháo se, cháo gõ… đặc sản của vùng ngoại thành Hà Nội cũng thu hút khách không kém.

Ngoài việc được trải nghiệm các món ăn, khách du lịch cũng được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, những cuộc giao lưu đặc sắc. So với cách đây tròn một năm, Lễ hội Văn hóa ẩm thực 2024 tăng gần gấp đôi về lượng khách, mặc dù vẫn tổ chức trong cùng một không gian.

Chị Lê Thu Hằng (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết: "Đến Lễ hội chúng tôi không chỉ được "nếm" thử các món ăn, mà còn được biết thêm nhiều điều thú vị về văn hóa ẩm thực. Các cháu bé nhà tôi rất tò mò khi xem robot chế biến và phục vụ món phở".

Tuy nhiên, nếu so về quy mô, sức hút thì Lễ hội Thiết kế sáng tạo vẫn xứng danh là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm. Trong 9 ngày diễn ra sự kiện, đã có hơn 300 nghìn lượt khách đến với Lễ hội, chưa kể việc Ban Tổ chức không thể thống kê hết những sự kiện tổ chức ngoài trời. Diễn ra trong không gian của các tuyến phố: Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông giao cắt với Dốc Bác Cổ-Tràng Tiền, Lễ hội có tên gọi "Giao lộ Sáng tạo" đã đem đến công chúng 110 hoạt động văn hóa, sáng tạo, gồm: Trưng bày, triển lãm, tọa đàm, trải nghiệm, trình diễn sân khấu, thời trang…

Những địa điểm hấp dẫn nhất với du khách là: Đại học Khoa học Tự nhiên (trước đây là tòa nhà của Đại học Đông Dương, rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội), Cung Thiếu nhi, Nhà khách Chính phủ (trước đây là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ). Nhiều người phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có cơ hội tìm hiểu, khám phá các hoạt động văn hóa-nghệ thuật.

Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Ý nghĩa của Lễ hội Thiết kế sáng tạo không chỉ nằm ở việc giới thiệu đến công chúng những hoạt động nghệ thuật mà còn đưa nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với tất cả mọi người. Từ đó, kích thích, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng, nuôi dưỡng và tạo ra thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hóa-sáng tạo, hay nói cách khác, đó là nuôi dưỡng thị trường cho công nghiệp văn hóa".

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao có quy mô lớn. Phần lớn những sự kiện này đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điển hình như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài du lịch, Ngày hội Văn hóa Vì hòa bình, Lễ hội Sen Tây Hồ, Liên hoan Phim Hà Nội, Hội chợ Hàng thủ công mỹ nghệ… Tính rộng hơn trong những năm gần đây, nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn thành phố không chỉ được tổ chức quy mô mà còn vươn tầm quốc tế, nổi bật nhất là Liên hoan Phim Hà Nội, Liên hoan Âm nhạc Gió mùa...

Ngoài những sự kiện cấp thành phố, còn hàng loạt sự kiện do các ngành, địa phương thực hiện. Cùng thời gian diễn ra Lễ hội Văn hóa ẩm thực, chương trình quảng bá du lịch đêm với chủ đề "Đêm Trúc Bạch" (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ với các vị khách. Khách du lịch trong nước và quốc tế đặc biệt ấn tượng với việc tái hiện cuộc sống, sinh hoạt và những chương trình nghệ thuật về cuộc sống, văn hóa của người Hà Nội thời bao cấp.

Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) hiện cũng đang diễn ra (từ ngày 30/11 đến hết 6/12), với việc giới thiệu nhiều nét văn hóa đặc sắc của quê lụa, nét đẹp của nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc. Cả những địa bàn xa trung tâm Thủ đô như thị xã Sơn Tây cũng lần đầu tiên tổ chức những sự kiện văn hóa lớn mà trước đây chưa ai từng nghĩ đến. Đó là hai sự kiện nối tiếp nhau: Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc 2024 và Cuộc thi Hoa hậu Áo dài Di sản đều diễn ra trong tháng 11. Những sự kiện này đều thu hút hàng nghìn người tham gia.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong từng nhấn mạnh: "Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hóa". Những sự kiện văn hóa tầm cỡ trải đều suốt trong năm đã và đang tạo ra một động lực phát triển mới cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nâng tầm thành thương hiệu

Tháng 2/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong các giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết, thành phố nêu rõ nhiệm vụ tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế; đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa được đông đảo công chúng và các thị trường văn hóa quan tâm.

Hà Nội đang từng bước trở thành "thành phố của sự kiện", "thành phố lễ hội" khi triển khai những lễ hội mới, song song với duy trì, phát huy giá trị của hàng nghìn lễ hội truyền thống. Việc những sự kiện, lễ hội văn hóa mới thu hút sự quan tâm của công chúng tạo động lực rất lớn cho phát triển du lịch và các lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác. Tuy nhiên, để nâng tầm thành thương hiệu thì vẫn cần cải thiện nhiều yếu tố.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ: "Nếu tiếp tục phát huy tiềm năng tổ chức các lễ hội quy mô lớn một cách chuyên nghiệp và bài bản, Hà Nội không chỉ trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa; mang lại lợi ích kinh tế qua việc phát triển các dịch vụ liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, và đặc biệt là góp phần phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo. Tuy vậy, để trở thành "thành phố lễ hội", bên cạnh việc đầu tư cho các yếu tố văn hóa, nghệ thuật, Hà Nội cần chú ý đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch và các tiện ích công cộng. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các tour kết hợp tham quan di sản văn hóa và tham gia lễ hội để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách".

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của ngành kinh doanh văn hóa. Các sự kiện văn hóa tạo điểm nhấn cho các địa phương, đặc biệt là các điểm thu hút khách du lịch và tạo cơ hội cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng của họ và giao lưu với đồng nghiệp, khán giả và các bên liên quan khác. Với việc xây dựng thương hiệu hiệu quả, các sự kiện văn hóa có thể mở rộng tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước, tạo dựng sức mạnh mềm trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Song, để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, bởi đây không phải vấn đề riêng của Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước.

Phát triển thành thành phố sự kiện, thành phố lễ hội là cần thiết, nhưng Hà Nội cũng cần thêm cơ sở hạ tầng tương xứng. Không gian lớn nhất để tổ chức các sự kiện ngoài trời hiện nay là sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, một số sự kiện thời gian qua đã cho thấy, sân vận động Mỹ Đình chưa thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng, điển hình như sự kiện ban nhạc Black Pink (Hàn Quốc) biểu diễn tại Hà Nội năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự điều phối, quản lý các lễ hội văn hóa một cách hợp lý về mặt không gian và thời gian. Việc cùng một lúc tổ chức nhiều lễ hội cũng là một điều bất lợi. Điển hình như Lễ hội Văn hóa ẩm thực và chương trình quảng bá du lịch Đêm Trúc Bạch cùng tổ chức trong ba ngày từ 29/11 đến 1/12 vừa qua cũng làm ảnh hưởng lẫn nhau, khiến chưa phát huy hết được tiềm năng, sức hút của cả hai sự kiện.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dong-luc-moi-cho-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post848575.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dong-luc-moi-cho-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post848575.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Động lực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO