Chính trị

Động lực để Đắk Nông cất cánh

Đức Diệu 04/12/2022 10:08

Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết, gỡ các "nút thắt", làm cơ sở triển khai các nhóm mục tiêu, nhiệm vụ liên quan.

avatar-dong-luc-cat-canh.png

Những “nút thắt” từ quy hoạch

Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết, gỡ các "nút thắt", làm cơ sở triển khai các nhóm mục tiêu, nhiệm vụ liên quan.

Thực tế, trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã, đang tồn tại nhiều yếu tố kém hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do trước đây, tỉnh lập quy hoạch từng ngành riêng lẻ, sau đó hợp lại thành quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Điều này dẫn tới tính khả thi của quy hoạch bị hạn chế, thậm chí còn xảy ra sự chồng chéo.

“Cứ mỗi một ngành làm một bản quy hoạch, sau đó thông qua bộ, ngành một cách chủ quản. Trong quá trình lập quy hoạch không có sự trao đổi, thống nhất. Đến khi thực thi, mạnh ông nào ông ấy triển khai. Do vậy, không thể nào tránh khỏi sự chồng chéo”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Viện phó Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết.

tran-dinh-thien-1500x838.png

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên nêu ví dụ, trong cùng một thời điểm, địa phương đều ban hành nhiều loại quy hoạch như: quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch xây dựng…

Thực tế cho thấy, nhiều quy hoạch được xây dựng chồng chéo, cản trở lẫn nhau. Quy hoạch còn theo nhiệm kỳ, thiếu kết nối, tạo thành lực cản cho sự phát triển của địa phương.

Kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong, Trưởng Phòng Quy hoạch II, Viện Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, cũng chung quan điểm. Việc đề ra động lực cho sự phát triển với 3 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch được Đắk Nông định hướng rất sát. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại phát sinh nhiều hạn chế.

tuyen-duong-quoc-lo-960x553.jpg

“Cứ mỗi ngành triển khai một kiểu sẽ không khi nào tạo được một cái tổng thể, đặc trưng riêng của Đắk Nông. Trong khi đó, đối với quy hoạch, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Tất cả phải bổ trợ lẫn nhau, kết nối với nhau để nâng hiệu quả trong quy hoạch”, kiến trúc sư Đỗ Nguyên Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến quy hoạch, tại Kết luận số 87/KL-TTr, ngày 14/5/2020 của Thanh tra tỉnh Đắk Nông nêu rõ: Việc lập quy hoạch tỉnh, cũng như quy hoạch tại Gia Nghĩa thời gian qua thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa UBND TP. Gia Nghĩa với một số chủ đầu tư khác.

Các đơn vị tham gia quy hoạch còn hạn chế về kinh nghiệm. Các quy hoạch được thiết lập thiếu chặt chẽ. Một số chưa đề cập, phân tích, đánh giá triệt để các điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế, xã hội… Từ đây dẫn đến những đề xuất, phương hướng phát triển chưa phù hợp với nguồn lực, cũng như tốc độ phát triển từng giai đoạn.

"Làm đề án thì rôm rả lắm, nhưng khi thực hiện không được bao nhiêu”

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, những năm qua, công tác lập quy hoạch nói chung và một số ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng có tính khả thi thấp. Quy hoạch còn theo tính nhiệm kỳ, thiếu kết nối, tạo thành lực cản cho sự phát triển của địa phương.

Đặc biệt, Đắk Nông chưa phát huy được vai trò trụ cột về kinh tế do thiếu những điều kiện cần thiết. Trụ cột về khai thác bô xít và nhôm là một ví dụ.

Mặc dù lĩnh vực này đã có những cơ sở khá vững chắc để phát triển, nhưng còn nhỏ và cần được mở rộng về quy mô. Địa phương nên xin cơ chế từ Trung ương để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp bô xít-nhôm phát triển.

z3927139850627_4b9b46eadb9850cdecc095377cac3e24-2560x1920(1).jpg
Ngành công nghiệp Bô xít-Nhôm được xem là một trong 3 trụ cột của nền kinnh tế

Về trụ cột nông nghiệp công nghệ cao cũng tương tự. Lĩnh vực này hiện mới chỉ bước đầu hình thành, chưa phát triển do thiếu vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Việc chưa tạo được cơ sở hạ tầng, bố trí quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đầu ra sản phẩm là cả vấn đề chưa tìm được lời giải.

Còn riêng về trụ cột du lịch chỉ mới ở dạng tiềm năng sơ khai, chưa tạo ra nguồn thu cho tỉnh. Nguyên nhân là do chưa có các sản phẩm du lịch đặc sắc, chưa có các dự án đầu tư lớn…

Cùng với hạn chế trong phát huy vai trò các trụ cột, công tác dự báo của quy hoạch tỉnh chưa chính xác. Mô hình dự báo quá lạc quan, dẫn đến các chỉ tiêu đề ra quá cao, không thể thực hiện. Một số nội dung, chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp do điều kiện thực tế thay đổi nhưng chậm được điều chỉnh.

144949ca0afd1c-a94d-48ed-bdb0-b174fd640539-2560x1440(1).jpg
Đắk Nông có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư vào du lịch

“Một trong những bất cập lớn nhất trong 10 năm qua của tỉnh Đắk Nông là chỉ tiêu quy hoạch thường đề ra quá cao, không có khả thi khi triển khai thực hiện”.

Phó GS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm. Một số trường hợp chưa triển khai được do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp phải đình hoãn, cơ cấu lại do không chuyển đổi được đất rừng…

tran-hoang-ngan-1500x836.png

Công tác phối hợp, quản lý điều hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp. Trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao...

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo góp ý quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, nhấn mạnh:

“Lâu nay, khi chúng ta làm đề án thì rôm rả lắm, nhưng khi thực hiện không được bao nhiêu”.

Đồng chí Lê Diễn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông

Cũng theo nguyên Bí thư Lê Diễn thì đây là bệnh cố hữu diễn ra lâu nay. Một số quy hoạch "treo" đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Các quy hoạch triển khai chậm hoặc kéo dài cản trở rất lớn đến việc phát huy hiệu quả lợi thế về đất đai.

le-dien-1500x860.png

Kịch bản nào để phát triển Đắk Nông?

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 7/7/2020. Quy hoạch được triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư.

Về Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021– 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 19 nhiệm vụ, 34 nội dung.

ho-muoi-1500x789.png

Để chuẩn bị quy hoạch được tốt, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết liệt chỉ đạo Sở KHĐT, đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch với quyết tâm cao. Quy hoạch đã nhận được sự hỗ trợ tư vấn chiến lược từ Công ty Tư vấn Mckinsey & Company Việt Nam, Công ty TNHH Roland Berger, các chuyên gia trong nước.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông ngày 20/4/2022, ông Marco Breu, Giám đốc Công ty Tư vấn Mckinsey & Company Việt Nam cho biết, Công ty sẽ phối hợp với các nhà tư vấn quy hoạch tổng thể để đưa ra ý tưởng đột phá vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Công ty cũng xác định chiến lược đầu tư của tỉnh. Sau đó, Công ty sẽ lấy ý kiến của tỉnh Đắk Nông để thống nhất các ý tưởng đột phá dựa trên những phản hồi trong quá trình tham vấn.

Sau gần một năm thực hiện, có 3 kịch bản quy hoạch được Mckinsey và liên doanh tư vấn trong nước đưa ra. Cụ thể, kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 được đưa ra là 7,17%. Đây là kịch bản phát triển cơ bản theo quán tính của nền kinh tế, chưa có sự phấn đấu cao.

Kịch bản 2 với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 là 9,05%. Đây là kịch bản có sự phấn đấu cao, hài hòa giữa các ngành, tạo nền tảng bền vững cho phát triển giai đoạn tiếp theo.

do-hoa-tang-truong-1500x1476.png

Kịch bản 3, tốc độ tăng trưởng GRDP là 10,85%. Đây là kịch bản có sự phấn đấu rất cao từ nội lực, nội bộ nền kinh tế của tỉnh, kết hợp sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương.

Qua đánh giá khách quan, trong giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm để tạo nền tảng hoàn thiện trong giai đoạn 2026-2030, tạo đà cho tỉnh Đắk Nông tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2031-2050.

Với tình hình thực tế đó, Đắk Nông lựa chọn kịch bản 2 để xây dựng định hướng phát triển bền vững cho các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2030.

Đánh giá về lựa chọn kịch bản 2, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông cho rằng, kịch bản 2 là kịch bản phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực của tỉnh, phù hợp với tiềm năng phát triển của địa phương.

Đây là kịch bản có mức tăng trưởng tăng cao hơn tốc độ chung của cả nước (7%/năm). “Nó bảo đảm được tính bền vững trong phát triển, tạo tiền đề vững chắc để Đắk Nông có thể phát triển bùng nổ sau giai đoạn 2030”, ông Tuấn phân tích.

phan-anh-tuan-1500x866.png

Cũng đồng tình với sự lựa chọn kịch bản 2, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lê Diễn cho rằng, kịch bản số 2 là sự lựa chọn vừa phải, hoàn toàn phù hợp. Nếu như bài toán về Dự án Nhôm đi vào hoạt động, cộng với dịch vụ phụ trợ phát triển sẽ sớm đáp ứng được kịch bản này.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đắk Nông chọn kịch bản 2 là hoàn toàn phù hợp. Điều quan trọng nhất là cần có những lập luận thuyết phục hơn. Lựa chọn kịch bản tăng trưởng phải bám sát vào kết quả phân tích tổ hợp các yếu tố liên quan, từ đó đề xuất ra các phương án tốt nhất.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Động lực để Đắk Nông cất cánh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO