Giáo dục - Đào tạo

Đồng hành giúp học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả

Nguyễn Hiền 18/08/2023 16:00

Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng. Việc sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh đang là sự quan tâm của nhiều phụ huynh, nhà trường.

ADQuảng cáo

Mạng xã hội như “dao hai lưỡi”

Khi học sinh được sử dụng mạng xã hội đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Sự tiện lợi dễ thấy như các em có thể kết nối, chia sẻ với nhau dễ dàng hơn, nhất là chia sẻ tài liệu, trao đổi học tập...

Qua mạng xã hội, học sinh cũng có thể kết nối được nhiều bạn bè, hội nhóm trong và ngoài nước có cùng sở thích để có thể phát huy khả năng, năng khiếu của mình. Ngoài kiến thức cơ bản, muốn nâng cao kỹ năng thì internet, mạng xã hội chính là kênh thông tin, nguồn tài nguyên to lớn, phong phú, đa dạng để các em tham khảo, nghiên cứu.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh có kết quả học tập tốt nhờ sử dụng thêm kênh mạng xã hội để tham khảo, rèn luyện. Em Lã Ngọc Điệp, học sinh Trường THPT Hùng Vương (Krông Nô) - thủ khoa các môn xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua chia sẻ: “Một trong những giải pháp giúp tôi có kết quả tốt trong các kỳ thi chính là tham khảo thêm các bài tập, bài viết nâng cao trên các trang mạng xã hội, website. Trên cơ sở bài giảng của thầy cô trên lớp, tôi tra cứu, tìm đọc thêm các bài viết có thông tin bài học sâu hơn, nhất là môn Lịch sử và Địa lý. Từ đó, tôi nhớ rõ và biết được các sự kiện liên quan đến bài học. Để đỡ mất thời gian, thông qua kết nối mạng xã hội, tôi thường nhờ thầy cô, các anh chị lớp trước có kinh nghiệm chỉ cho mình các website, trang thông tin tin cậy để tham khảo”.

1111-1-.jpg
Nếu được định hướng đúng cách, mạng xã hội sẽ trở thành kênh học tập tốt, phát triển kỹ năng cho học sinh

Tuy nhiên, đối với lứa tuổi học sinh, khi kinh nghiệm sống chưa nhiều thì việc sử dụng mạng xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Mạng xã hội, internet là không gian mở, dễ kết nối nên đang là nơi hoạt động của nhiều đối tượng lừa đảo. Thực tế nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị bắt cóc, lừa tiền, lừa tình đã xảy ra do hẹn hò, yêu đương trên mạng xã hội. Nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội, internet không có sự kiểm soát của người lớn đã dẫn đến tình trạng phụ thuộc và nghiện game.

Không những vậy, việc trẻ sử dụng mạng xã hội, internet nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe như bị cận, loạn nặng, bị đau lưng, mất ngủ… Điều dễ thấy nhất là dùng mạng xã hội không kiểm soát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập do các em phân tán thời gian. Nhiều em học tập sa sút, lâu dần dẫn tới mất gốc, chán học thậm chí làm nảy sinh tâm lý muốn bỏ học giữa chừng.

Định hướng để học sinh có ý thức

ADQuảng cáo

Chị Hoàng Thị Nhâm, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Tôi có con gái năm nay lên lớp 8 nên việc sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ học tập là cần thiết. Trước khi cho con sử dụng, tôi phải nói chuyện trước và đưa ra một số cam kết để con thực hiện như quy định thời gian sử dụng, những trang được truy cập… Tôi cũng định hướng con sử dụng hiệu quả một số địa chỉ tin cậy để con không bị phân tán thời gian học tập”.

Một số phụ huynh vì lo ngại nên chọn phương án cấm không cho con sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên, theo một số phụ huynh khác thì với bản tính tò mò của con em lứa tuổi học sinh, việc cấm đoán có thể phản tác dụng.

Theo cô Đỗ Thị Là, Hiệu phó Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa), internet, mạng xã hội nếu biết khai thác thì sẽ là kho tàng kiến thức rất bổ ích, quan trọng là định hướng như thế nào để các trẻ em, học sinh sử dụng đúng cách, hiệu quả. Cha mẹ và thầy cô giáo không nên nóng vội hay la mắng con, học sinh mà phải tinh tế, từ từ phân tích cho các em hiểu được cái lợi, hại khi tham gia mạng xã hội. Phụ huynh cũng phải kiểm tra và xem các con thường vào những trang nào để điều chỉnh kịp thời.

"Điều quan trọng nữa là chính phụ huynh cũng phải gương mẫu, làm gương trong việc sử dụng mạng xã hội trước con cái. Nếu bố mẹ suốt ngày dùng điện thoại, máy tính tham gia mạng xã hội nhưng cấm cản con thì hiệu quả sẽ không cao", Cô Là chia sẻ.

Cũng theo cô Là, ngoài internet, mạng xã hội, bố mẹ, các nhà trường cũng cần khuyến khích các con, học sinh tham gia các sân chơi bổ ích khác, các câu lạc bộ, năng khiếu để con hạn chế thời gian lên internet, mạng xã hội. Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh hiện cũng rất quan tâm trong việc kiểm soát học sinh sử dụng mạng xã hội vì phần lớn các em ở nội trú. Các em sẽ được sử dụng mạng xã hội phục vụ học tập theo giờ quy định mỗi tối bằng điện thoại dưới sự giám sát của thầy cô. Các giờ khác có phòng máy riêng để các em truy cập khi phục vụ học tập…

"Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền phù hợp để các em tự ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, hiệu quả” cô Là cho hay.

Tăng cường phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường

Thầy Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của internet, mạng xã hội hiện nay. Vì vậy, thay vì cấm cản, bố mẹ, thầy cô giáo có thể hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn, có văn hóa. Hằng năm, ngành Giáo dục luôn chỉ đạo, định hướng các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh sử dụng an toàn mạng xã hội.

33333333333333333.png

Bên cạnh đó, phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm và các ban giám hiệu phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhắc nhở, định hướng cho học sinh, con em thực hiện một số giải pháp khi sử dụng mạng xã hội như bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị lấy cắp tài khoản phục vụ cho những mục đích xấu; suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì lên mạng xã hội; ứng xử văn minh trên mạng xã hội; nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng; giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội… Cách hiệu quả nhất là bố mẹ, thầy cô giáo dành nhiều thời gian hơn nữa cho con em, chia sẻ, định hướng để con em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành giúp học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO