Giáo dục - Đào tạo

Đồng hành cùng con

Mẫn Doanh 08/04/2023 05:00

Cha, mẹ có vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng đặc biệt để con phát triển hài hòa về mặt nhận thức, đạo đức lối sống cũng như trong học tập. Đồng hành cùng con, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn cùng con là trọng trách của hầu hết các bậc cha mẹ. Điều này được các chuyên gia tâm lý, giáo dục xem là con đường phù hợp và thuận tiện để cha mẹ có thể nuôi dạy con dễ dàng hơn trong thời đại hiện nay. Từ đó, quá trình cùng con trưởng thành cũng trở nên thú vị. Đặc biệt là khi con ở tuổi dậy thì...

ADQuảng cáo

Nỗi lo khi con "dậy thì"

Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) có con học lớp 8 và lớp 11 chia sẻ: “Ở tuổi này, những xáo trộn trong tâm lý khiến các con trưởng thành hơn. Sự trưởng thành ấy phát triển theo hướng tích cực sẽ giúp các con thấy trách nhiệm của mình, có ý thức học tập tốt. Nếu phát triển theo chiều hướng tiêu cực thì sẽ là các biểu hiện: tập làm người lớn; không nghe lời; sống khép kín; nhiều khi tự quyết định mọi việc theo ý mình dù là quyết định ngớ ngẩn và dại dột...”

Đó cũng là nỗi niềm, tâm sự của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Có rất nhiều bậc cha mẹ thường than phiền dạy con ở tuổi dậy thì thật khó. Sự thay đổi sinh lý kéo theo những biến đổi về tâm lý theo cả chiều tích cực và tiêu cực. Các em thường thể hiện và bộc lộ cá tính bản thân. Biểu hiện thông qua sự thay đổi về ngoại hình, tính cách, phong cách ăn mặc, lối sống... Một số tính cách khi các con bước vào tuổi dậy thì như nhạy cảm hơn với các lời chê trách, phê bình; muốn thể hiện năng lực bản thân; thay đổi cảm xúc, khó kiểm soát bản thân; muốn được đối xử như người trưởng thành; bắt đầu nảy sinh tình cảm yêu đương...

img_7486.jpg
Cha mẹ là những “nhà giáo dục” đầu tiên và suốt đời của con cái

Chị Lò Thị Say, phụ huynh của em S.M.T hiện đang học lớp 11A2, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng tâm sự rằng, con gái khá tự giác và chăm học. Tuy nhiên, con học xa nhà, đang ở độ tuổi phát triển, thay đổi lớn về thể chất tinh thần. Chị thường lo lắng con gái bước vào tuổi yêu đương. Vì vậy, chị thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con, tránh để xảy ra tình trạng “tảo hôn” khi còn đang theo học.

Việc cân bằng giữa học tập và phát triển thể chất, tinh thần luôn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Con học nhiều lại lo về sự phát triển thể chất, tâm lý. Nhiều con em tuổi dậy thì lại sao nhãng, không tập trung vào học tập cũng khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là nhiều em học sinh lứa tuổi này ngày càng dành quá nhiều thời gian sử dụng đồ công nghệ như điện thoại, máy tính. Trong khi việc quản lý các nội dung không phù hợp lứa tuổi trên internet, mạng xã hội, game... còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường. Sử dụng các thiết bị như điện thoại, máy tính không đúng mục đích, không đúng cách có thể dẫn đến thay đổi hoóc môn, gây trầm cảm, ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần...

Cha mẹ chia sẻ và định hướng cùng con

Khuyến khích, chia sẻ, gần gũi và luôn đồng hành cùng con trong các hoạt động nên quá trình nuôi, dạy con của vợ chồng chị Hoàng Thị Hà, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng trở nên nhẹ nhàng. Mặc dù đang ở độ tuổi “ngang bướng”, song cả 2 đứa con của gia đình chị Hà đều được mọi người đánh giá rất ngoan, nhanh nhẹn, hoạt bát.

ADQuảng cáo

Để kèm con học, chị Hà thường xuyên hỏi ý kiến cô giáo hoặc tìm hiểu trên mạng internet để hướng dẫn cho con. Sau thời gian đồng hành cùng con, chị Hà nhận ra rằng, chính nhờ những lúc ấy mình mới có thời gian được nghe con tâm sự chuyện về bạn bè, về cô giáo, về suy nghĩ của con trước những vấn đề trong cuộc sống... Từ đó, chị có thể nắm bắt được tâm lý của con tốt hơn, định hướng để con có những hành vi, cách ứng xử và kỹ năng trong cuộc sống.

Ngoài những buổi học chính khóa, chị Hà cũng khuyến khích con tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, các môn năng khiếu mà con yêu thích. Qua đó giúp con luôn có được năng lượng, tinh thần tích cực để học tập. Chị Hà chia sẻ, dạy con ở tuổi dậy thì khó hơn ở các lứa tuổi khác rất nhiều, đòi hỏi người làm cha mẹ ngoài tình thương yêu con trẻ còn phải có tính kiên nhẫn, biết kiềm chế sự nóng nảy, dành thời gian để giúp con có thêm kỹ năng sống và định hướng cho con những suy nghĩ đúng đắn, giáo dục đạo đức, lối sống.

Tạo động lực thay vì tạo áp lực

Em Hoàng Mạnh Hùng, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Gia Nghĩa) vui mừng vì vừa đạt được các kết quả cao như giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Tin học; giải nhất kỳ thi olympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV – 2023... Để em có được kết quả trên luôn có bóng dáng của người mẹ là chị Nguyễn Thị Lục, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Chị cho biết, gia đình chị có 2 đứa con trai là em Hoàng Mạnh Hùng học lớp 9, đứa nhỏ là em Hoàng Mạnh Vy hiện đang học lớp 6. Cả 2 đều có niềm sở thích, đam mê với máy tính. Có đôi khi chị sợ các con đam mê sử dụng máy tính để chơi game, xem phim hay làm những việc khác mà sao nhãng chuyện học hành. Do đó, chị luôn để ý theo dõi, giúp con sử dụng máy tính một cách hợp lý. Để việc học của con đạt hiệu quả cao, chị cố gắng tạo động lực thay vì tạo áp lực.

img_7502.jpg
Chị Lục vui mừng với những kết quả bước đầu đã đạt được của con trong học tập, cuộc sống

Ngoài thời gian cho công việc, chị luôn dành thời gian để cổ vũ, động viên, đồng hành cùng con trong học tập. Cùng với nỗi lo ngại của các bậc phụ huynh khi con cái đam mê máy tính nhưng chị không cấm cản con mà định hướng, tạo điều kiện cho con sử dụng một cách đúng đắn. Chị cũng thay đổi suy nghĩ, định hướng nghề nghiệp khi con bộc lộ sở thích và năng khiếu với máy tính và tin học. Chị khuyến khích con sử dụng máy tính vào học tập, dành thời gian chơi một cách hợp lý. Việc đồng hành của chị là một trong những động lực quan trọng để giúp con không sa ngã, có định hướng nghề nghiệp tương lai sớm. Chị cũng rút ra bài học kinh nghiệm rằng, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng, tạo áp lực cho con thì nên là người bạn đồng hành để định hướng, giúp đỡ con thành công.

Có thể khẳng định rằng, để con đạt được thành tích tốt trong học tập, phát huy được sở trường của mình, không chỉ có vai trò, trách nhiệm của nhà trường mà rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh chia sẻ, giúp đỡ con trong học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống, vượt qua tuổi dậy thì. Gần gũi để hiểu con và kịp thời phát hiện những suy nghĩ, hành động lệch lạc của con để uốn nắn, nhắc nhở. Đôi khi phải tìm hiểu các thông tin về con cái qua nhiều kênh như nhà trường, bạn bè hoặc nhẹ nhàng gợi mở để lắng nghe suy nghĩ của con...


ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO