Kinh tế

Đồng bào vùng ven Gia Nghĩa khấm khá nhờ cà phê

Phan Thanh Nga 22/04/2025 07:53

Cây cà phê giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) phát triển kinh tế ổn định, vươn lên khá giả.

Hàng chục năm qua, nhiều nông dân là DTTS của Đắk Nia đã lựa chọn cà phê làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.

Nhờ sự cần cù, chịu khó và áp dụng kỹ thuật trong canh tác, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống.

Một trong những hộ điển hình là anh K’Khiêm, Trưởng bon N’Jriêng, xã Đắk Nia. Từ năm 2009, anh bắt đầu trồng cà phê trên mảnh đất do ông bà để lại. Hiện tại, anh sở hữu 2,5ha cà phê với tổng cộng 2.500 cây.

img_4635(1).jpg
Anh K’Khiêm, trưởng bon N’Jriêng của xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa là một trong những hộ tiên phong, kiên trì chọn trồng cà phê để phát triển kinh tế ở địa phương

“Những năm thời tiết thuận lợi, mỗi ha cà phê, gia đình tôi trồng đạt năng suất trên 4 tấn. Vụ thu hoạch vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng tôi thu được 6 tấn cà phê nhân. Trong đó, 800 cây tái canh vẫn chưa cho thu hoạch vì mới trồng”, anh K’Khiêm chia sẻ.

Nhờ kỹ thuật canh tác tốt, sản lượng cà phê của gia đình anh K’Khiêm ổn định hàng năm. Năm nay, anh K’Khiêm bán khi cà phê với giá từ 120.000 đồng/kg trở lên, thu về khoảng 700 triệu đồng..

“Trồng cà phê quan trọng nhất là phải bảo đảm nước tưới đầy đủ, bón phân đúng lúc, đúng liều lượng và giống cây phải chất lượng. Hiện nay, gia đình chủ yếu trồng các giống TR4, TR9, cà phê dây”, anh K’Khiêm chia sẻ.

img_4644(1).jpg
Những cây cà phê giống mới được anh K’Khiêm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa chọn trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Không chỉ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt rẫy cà phê của mình, anh K’Khiêm còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong bon.

“Trong quá trình đổi công cho bà con trong vùng, tôi thường chia sẻ kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê để đạt năng suất cao. Những năm gần đây, sâu bệnh, nhất là nấm, rầy và rệp xuất hiện nhiều nên chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm”, K’Khiêm cho biết.

Nhiều hộ DTTS khác ở xã Đắk Nia đang phát triển kinh tế từ cây cà phê. Anh K’Krai, một nông dân trong vùng, hiện có 3ha cà phê, mỗi năm thu hoạch từ 10-14 tấn cà phê nhân nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật.

Gia đình chị H’Grếp trồng hơn 2ha cà phê đạt sản lượng từ 6-7 tấn mỗi vụ. Nhìn những con số này cho thấy cây cà phê đang thực sự mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho người dân địa phương.

img_4646(1).jpg
Anh K’Khiêm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa chọn trồng cà phê xen với các cây trồng khác để tăng hiệu quả kinh tế

Trong 20 năm qua, giá cà phê có lúc thấp, lúc cao nhưng về cơ bản là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người trồng. Theo ông Đỗ Văn Sìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, những năm qua xã đã tích cực khuyến khích mỗi hộ DTTS nên trồng từ 200–300 cây cà phê trở lên để phát triển kinh tế. Nhờ sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật từ các cấp, cùng với sự đồng thuận của người dân, mô hình trồng cà phê đã từng bước phát huy hiệu quả.

Xã Đắk Nia có 2.628 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 39%. Trong số khoảng 39% dân số DTTS xã Đắk Nia ước có 17% hộ đang trồng cà phê. Hầu hết các hộ DTTS trồng cà phê được hỗ trợ giống và kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay... Năng suất trung bình vườn cà phê của các hộ DTTS đạt khoảng 2 tấn/ha. Những hộ chăm sóc tốt đạt tới 4 - 5 tấn/ha, một con số khá tích cực so với mặt bằng chung.

Ông Đỗ Văn Sìn cho biết: “Qua thời gian canh tác, người dân rất đồng tình vì cây cà phê mang lại thu nhập ổn định và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương”.

So với nhiều loại cây trồng khác thì cà phê có sức chịu hạn tốt hơn và thu nhập ổn định nên người dân chọn trồng.

Ông Đỗ Văn Sìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đồng bào vùng ven Gia Nghĩa khấm khá nhờ cà phê
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO