Đồng bào dân tộc Mông vui mừng đón nhận Báo ảnh Báo Đắk Nông
Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng chung sống với khoảng 664.420 người; trong đó, dân tộc Mông có hơn 34.970 người, sinh sống khắp 8/8 huyện và thành phố của tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng chung sống với khoảng 664.420 người; trong đó, dân tộc Mông có hơn 34.970 người, sinh sống khắp 8/8 huyện và thành phố của tỉnh Đắk Nông.
Để giúp các cấp, các ngành địa phương chuyển tải đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào M’nông và đồng bào Mông, tháng 1/2012, Báo Đắk Nông phát hành tờ Báo ảnh với 2 thứ tiếng Việt-M’nông. Đến tháng 8/2012, Báo Đắk Nông xuất bản báo ảnh gồm 3 thứ tiếng: Việt – M’nông – Mông phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ban đầu mới thành lập, cơ sở vật chất để sản xuất tờ báo ảnh, cũng như kinh nghiệm biên dịch của người biên dịch viên gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm biên dịch tờ báo ảnh từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc đúng, đầy đủ nội dung, đúng pháp luật, Ban Biên tập báo Đắk Nông đã chủ động lấy chữ Mông Việt Nam (chữ Mông bác Hồ) làm chuẩn để biên dịch cho tờ báo ảnh Báo Đắk Nông. Biên chế biên dịch viên và có người cán bộ dân tộc Mông, biết chữ viết, hiểu ngôn ngữ dân tộc Mông.
Đồng thời, để thẩm định nội dung tờ báo ảnh sau khi biên dịch cho đúng, đủ nội dung, cũng như bảo đảm tính pháp lý trước khi đưa đi in và phát hành tờ báo, Ban Biên tập Báo Đắk Nông cũng chọn lựa cán bộ người dân tộc Mông, trình độ, uy tín, đang công tác tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh để thực hiện.
Trong quá trình phát triển của cả nước Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, đồng bào Mông rất cần đọc các tài liệu, bài báo tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi, phổ biến kiến thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe… Thấu hiểu điều đó, Ban Biên tập và biên dịch viên Báo Đắk Nông đã chú trọng khai thác tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh – quốc phòng để biên dịch ngắn gọn nhưng bảo đảm đúng, đủ nội dung, tránh làm cho người đọc hiểu thiếu, hiểu sai nội dung cần truyền đạt trên tờ báo.
Từ khi có tờ Báo ảnh Báo Đắk Nông, một số cán bộ làm công tác tại vùng đồng bào Mông cũng như nhiều cán bộ địa phương: Ban tự quản thôn, bản, xã…đã thường xuyên sử dụng tờ báo ảnh để làm kênh chính thống trong quá trình làm công tác dân vận, đồng thời nhắc nhở người dân hạn chế nghe, nhìn, đọc các kênh facebook, mạng xã hội không chính thống dẫn đến vi phạm pháp luật…
Ông Sùng Sái Pá, dân tộc Mông, người uy tín thôn 12, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cho biết: Mỗi khi họp thôn hoặc làm công tác dân vận, chúng tôi thường lấy tờ báo ảnh Báo Đắk Nông có 3 thứ tiếng: Việt - M’nông - Mông đọc cho bà con nghe và lấy làm kênh chính thống tuyên truyền, vận động người dân và nhắc nhở người dân nên đọc Báo Đắk Nông nói chung và Báo ảnh nói riêng để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời biết chữ, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình…
Theo Thiếu tá Giàng A Chá, Công an tỉnh Đắk Nông, thì qua nhiều năm làm công tác thẩm định tiếng Mông cho tờ Báo ảnh Báo Đắk Nông, tôi thấy những người làm công tác biên dịch tờ báo ảnh rất có trách nhiệm cao, biên dịch ngắn gọn, đúng, đầy đủ nội dung từ tiếng Việt sang tiếng Mông… Thông qua tờ báo ảnh Báo Đắk Nông có tác động lớn và làm thay đổi tích cực về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa… trong đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh…
Qua 20 năm xây dựng, phát triển của tỉnh, tờ báo ảnh Báo Đắk Nông gồm 3 thứ tiếng: Việt – M’nông – Mông phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp tích cực trong tuyên truyền, vận động trên tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh – quốc phòng. Báo đã đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có đồng bào Mông).
Sau khi đọc báo, nhiều người dân đã học được kiến thức, gương người tốt, việc tốt, cách trồng trọt, chăn nuôi hay để áp dụng vào cuộc sống. Từ tờ báo ảnh được biên dịch 3 thứ tiếng: Việt – M’nông - Mông, nhiều nét văn hóa truyền thống được khôi phục, phát triển như: Làng du lịch văn hóa cộng đồng thôn 3, xã Đắk Som, chợ tình Đắk R’măng (Đắk Glong); sắc màu chợ phiên Chư K’nia (Cư Jút); ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhạc cụ truyền thống (sáo, khèn Mông…) cũng xuất hiện nhiều hơn trong các ngày lễ, tết...
Đặc biệt là chữ viết, người Mông ở Đắk Nông gồm nhiều tỉnh khác nhau di cư vào sinh sống. Rất nhiều người chưa biết hoặc chưa đọc được chữ Mông Bác Hồ. Do đó, với tờ Báo ảnh Báo Đắk Nông đã giúp cho nhiều người nhận diện và biết được chữ Mông Bác Hồ. Nhiều cháu nhỏ còn học được rất nhiều từ mới, nghĩa mới của chữ Mông Bác Hồ thông qua tờ Báo ảnh.
Anh Sùng A Dũng, thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Glong) bày tỏ, bản thân tôi trước đây rất mong muốn bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mình trên quê hương Đắk Nông.
Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ, được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền cac cấp, nhất là kể từ khi tiếp cận được với tờ báo ảnh (năm 2020), tôi biết được nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về chủ trương khuyến khích phát triển văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc, tôi đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch và thành lập Làng Du lịch văn hóa cộng đồng thôn 3, xã Đắk Som, chợ tình Đắk R’măng (2022).
Đồng thời, tôi cũng đưa văn hóa thổi sáo của người Mông hướng dẫn và truyền dạy lại cho nhiều bạn trẻ trong cộng đồng. Thiết thực nhất đối với tôi, đó là được biết thêm nhiều chữ viết Mông Bác Hồ, để tiếp cận nhanh hơn, rõ hơn đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như quy định của địa phương.
Khi mới thành lập, tờ báo ảnh Báo Đắk Nông xuất bản 1 tuần 1 số, quy mô 4 trang, biên dịch chủ yếu là các chú thích của hình ảnh và chỉ phát hành tới tay bạn đọc là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bon, buôn, bản.
Đến nay, Báo ảnh xuất bản 1 số/tuần, với quy mô lên 8 trang, sản xuất và biên dịch đầy đủ các bài và chú thích tất cả các hình ảnh trên nhiều lĩnh vực như tin tức thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đất nước con người… trong tờ báo.
Hình thức trình bày Báo ảnh ngày càng bắt mắt; ngôn ngữ thể hiện giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với đồng sống đồng bào; hình ảnh rõ nét, chân thực; nội dung phong phú, đa dạng nhưng bám sát hiện thực đời sống…
Báo ảnh Báo Đắk Nông đã thực sự là cầu nối ý Đảng - lòng dân. Đồng thời đã góp phần trong sự phát triển chung của tỉnh nhà, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nội dung, ảnh: A Trư
Trình bày: Thế Huy - Nguyễn Hiền