Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

ĐÔNG DƯ-HỒNG ANH| 17/04/2025 15:14

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa vùng đất đỏ bazan không chỉ phủ kín địa bàn rộng lớn hơn 15 nghìn km2, mà còn về tận buôn làng, đến với 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đang khiến diện mạo Gia Lai đổi thay từng ngày.

Một buổi giao dịch tại Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai.Một buổi giao dịch tại Điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai.

Những con đường đất đỏ lên vùng biên giới Gia Lai ngày ấy trống vắng, gập ghềnh, bây giờ được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ xuyên qua những cánh rừng cao-su, cà-phê, hồ tiêu, điều,… bạt ngàn.

Những ngôi nhà mới xây của đồng bào dân tộc Gia Rai, Thái, Mường, thoáng đãng và những chuyến xe ô-tô chở đầy các bao tải sắn khô, cà phê, hồ tiêu… nhộn nhịp chạy về xuôi, minh chứng cho vùng đất đỏ bazan đang phát triển trù phú.

Những câu chuyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Chính ông Siu Hlim, Già làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cũng bất ngờ trước sự đổi thay nhanh chóng của quê hương.

Không giấu nổi niềm vui, ông cho biết, mới ngày nào, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng từng nhà dân, thì nay đã bị đẩy lùi dần bởi sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, nhất là của Ngân hàng Chính sách xã hội (đã đem đồng vốn ưu đãi về tận trụ sở UBND xã cho vay rất thuận lợi, nhanh chóng).

Chị Kpuih H’joi sống tại làng Sung Kép, xã Ia Kla là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực trong phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

Nhờ khoản vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ, gia đình chị đã đầu tư trồng trọt, chăm sóc 3ha điều và sửa chữa nhà ở kiên cố. Giờ đây, con cái được học hành đầy đủ, chị cũng dành dụm được tiền để gửi tiết kiệm.

Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ảnh 1

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều chị em dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Vốn tín dụng chính sách không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chị Rơ Chăm Ăunh (làng Mrông Yô 1, xã Ia Ka huyện Chư Păh) đã hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp với thương hiệu cà-phê Organic Jrai Ialy, tạo công ăn việc làm cho chị em trong làng nhờ khoản vay ưu đãi 70 triệu đồng.

Chị Rơ Chăm Ăunh chia sẻ: “Từ khi biết được chương trình vay vốn chính sách và được Hội phụ nữ tuyên truyền, hai vợ chồng tôi có thêm động lực để đầu tư vào mô hình cà-phê Organic. Nhờ nguồn vốn vay, tôi đã có bước nhảy vọt trong tư duy của người phụ nữ hiện đại. Tôi dự định sẽ liên kết các chị em trong làng cùng phát triển mô hình kinh tế này”.

Còn chị Rơ Chăm H’Luôn, cũng sống tại làng Mrông Yô 1, đã thoát khỏi diện cận nghèo vào năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng. Chị H’Luôn vui mừng cho biết, kinh tế gia đình chị đã khởi sắc, với thu nhập hằng năm đạt hơn 70 triệu đồng từ 1ha cà-phê.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka (huyện Chư Păh) Rơ Chăm H’Ken, trước đây nhiều hội viên trong xã rất e ngại khi vay vốn để phát triển kinh tế vì lo lắng không có khả năng trả nợ và thiếu định hướng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền tích cực, hiện nay hầu hết các chị em đã hiểu rõ về quy trình vay vốn và mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Những câu chuyện vươn lên thoát nghèo của những hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn ở vùng đất đỏ bazan Gia Lai, đã khẳng định vị thế của nguồn vốn tín dụng chính sách. Theo số liệu từ Ban thường vụ tỉnh ủy Gia Lai từ năm 2022 đến nay đã có hơn 148 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi từ kênh Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ảnh 2

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 2.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở Gia Lai xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố.

Nguồn vốn chính sách tín dụng chính sách đã giúp 8.950 hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 31.400 lao động; xây dựng và cải tạo 86.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho 2.196 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo có vốn xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Qua điều tra, rà soát, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) toàn tỉnh Gia Lai giảm từ 12,09% (năm 2021) xuống còn 6,06% (năm 2024); ước thực hiện năm 2025 giảm còn 4,04%.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo ước thực hiện bình quân giảm 2,01%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch số 47-KH/TU.

“Kết quả này phản ánh sự góp lực, đồng lòng rất thiết thực và tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn”, đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Tự hào là đơn vị đồng hành thân thiết với những buôn làng khó khăn và các hộ nghèo, đối tượng chính sách khắp vùng đất đỏ bazan phía bắc Tây Nguyên, ông Lê Văn Chí, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, quê ở đồng bằng Quảng Ngãi nhưng lại lên cao nguyên biên giới làm công tác tín dụng ngân hàng từ thời trai trẻ, để rồi năm 2002 “đầu quân” cho mặt trận chống đói nghèo, trực tiếp đảm nhận vai trò thuyền trưởng tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai liên tục đến nay.

Ông Lê Văn Chí chia sẻ, hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội trên cao nguyên đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ ràng và thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí là động lực, đúng hơn là “chìa khóa” then chốt cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc toàn địa bàn vào cuộc; tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đặc biệt trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Sự vào cuộc tổng lực

Song hành với sự chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, trong suốt 20 năm qua, nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây, do triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dòng vốn chính sách trên cao nguyên Gia Lai luôn được khơi thông, góp phần thiết thực giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống.

Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ảnh 3

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Đến 31/3/2025, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đạt 7.631 tỷ đồng, tăng 153,5 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 598 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,5% (bao gồm vốn ngân sách tỉnh 366 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 232 tỷ đồng).

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa vùng đất đỏ bazan không chỉ phủ kín địa bàn rộng lớn hơn 15 nghìn km2, mà còn về tận buôn làng, đến với 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Nổi bật trong hành trình của tín dụng chính sách ở Gia Lai còn là câu chuyện của đội ngũ cán bộ tín dụng đã luôn bền bỉ, tận tâm, sáng tạo trong công tác huy động, tạo lập nguồn vốn, chuyển tải vốn kịp thời, an toàn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”; phối hợp chặt chẽ với cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội, với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại buôn làng khu dân cư, với hệ thống Điểm giao dịch trải khắp địa bàn xuống tận các xã, bất kể trong vùng sâu, trên vùng cao biên giới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tiếp cận đầy đủ, nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Để có được một diện mạo cao nguyên đổi thay, bình yên từ những con số giảm nghèo ấn tượng đến khắp buôn làng, nhà mới mọc lên san sát cùng các vườn đồi, vườn rừng bát ngát màu xanh hứa hẹn cuộc sống no đủ, trù phú, không thể không nhắc đến những đóng góp của Ngân hàng Chính sách xã hội qua việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi lớn lao cùng những cán bộ tín dụng đã không quản ngại gian khó vất vả.

Họ thường xuyên làm nhiệm vụ “3 cùng”: cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể, cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn thuận tiện, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt kết quả.

Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ảnh 4

Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi.

Bước vào giai đoạn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội ở vùng đất đỏ bazan tuy đã đạt thành tích đáng kể nhưng chưa tự bằng lòng, thỏa mãn bởi thực tại nghèo khó nơi đây vẫn còn nhiều.

Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai tiếp tục nỗ lực, chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo, “cùng cả nước chung tay vì người nghèo”…

Trước mắt, ưu tiên nguồn lực “rót” vốn tín dụng đến từng hộ nghèo, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, giữ vững vai trò là “chìa khóa” then chốt, là “trụ cột” trong công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần đổi thay, rộng mở vùng đất Gia Lai để chủ động bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/doi-thay-vung-dat-do-bazan-nho-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-post873098.html
Copy Link
https://nhandan.vn/doi-thay-vung-dat-do-bazan-nho-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-post873098.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Đổi thay vùng đất đỏ bazan nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO