Đổi thay trên quê hương M’nông

Phan Tuấn| 01/03/2021 09:11

Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, nên đời sống của đồng bào M'nông ở vùng biên giới Quảng Trực (Tuy Đức) ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Vùng quê Quảng Trực cũng vì thế mà ngày một khởi sắc hơn.

Khởi sắc vùng biên

Xã biên giới Quảng Trực là quê hương của đồng bào dân tộc M’nông. Những năm qua, địa phương này đã có bước chuyển mình rõ nét. Hiện nay, hạ tầng  điện, đường giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa… đều được đầu tư xây dựng khang trang đến tận bon làng.

Trẻ em bon Bu Prăng 1 được tới trường trên tuyến đường nhựa mới được đầu tư

Theo ông Điểu Toi, Bí thư Chi bộ bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, so với trước đây, cuộc sống của dân tộc thiểu số Quảng Trực đã đổi thay rất nhiều. Đầu tiên là được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại.  

Đặc biệt, bà con Nhân dân nơi đây còn được xây dựng nhà ở kiên cố, cấp đất sản xuất. Được sự hỗ trợ tối đa của Đảng, Nhà nước đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. "Thời gian qua, ở bon làng đã có hàng chục hộ có thu nhập khoảng hai trăm triệu đồng mỗi năm", ông Điểu Toi cho biết.

Ông Điểu Drây trước đây do cuộc sống khó khăn, nên không được học hành bài bản. Trong làm ăn phát triển kinh tế, ông Điểu Drây cũng từng thất bại, có thời điểm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.

Được sự động viên của người thân, chính quyền địa phương, dù đã 40 tuổi, nhưng ông Điểu Drây vẫn đăng ký học tập hết lớp 12. Sau đó, ông đăng ký học và tốt nghiệp trung cấp ngành Nông lâm. Với nghị lực vươn lên, cùng với những kiến thức học được, ông Điểu Drây đã áp dụng vào sản xuất trên 6 ha cà phê, mắc ca… Nhờ đó, mỗi năm ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh việc tạo ra sự đột phá về mặt kinh tế, gia đình ông Điểu Drây cũng rất hạnh phúc. Hiện nay, con cái của ông Điểu Drây đều được ăn học đến nơi đến chốn. Con đầu của ông Điểu Drây đang thực hiện nghĩa vụ trong ngành Công an, còn con út đang học trường sỹ quan Lục quân II.

Thời gian qua, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Quảng Trực đã có sự phát triển vượt bậc. Ông Đoàn Hồng Quân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ, nên địa phương phát triển toàn diện về hạ tầng cơ sở.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực vươn lên, nên đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay rất lớn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2.

Theo ông Quân, hiện nay, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, lúa nước, mắc ca, với hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.

Đời sống tinh thần, vật chất của bà con ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm mạnh, từ 47,9% vào đầu năm 2020 xuống còn 41,74% vào cuối năm.

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân

Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn xã Quảng Trực đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, biện pháp, cùng với Nhân dân tăng gia sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Cụ thể như các chương trình: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; nâng bước chân em tới trường; con nuôi biên phòng; tết bánh chưng xanh; cán bộ biên phòng phụ trách nhóm hộ gia đình đã góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng bào đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắk Dang Trần Anh Tuấn cho biết, muốn quản lý, bảo vệ toàn vẹn đường biên, mốc giới phải dựa vào dân, phải có sự tham gia của Nhân dân thì lực lượng biên phòng mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Với quan điểm trên, thời gian qua, lực lượng biên phòng đã cử cán bộ, đảng viên, tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con Nhân dân. Thông qua các cuộc sinh hoạt chung hoặc lao động sản xuất, đơn vị còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế biên giới…

Từ đó, người dân rất tin tưởng, an tâm định cư, thi đua lao động sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia cùng với biên phòng giữ vững đường biên, mốc giới của tổ quốc.

Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người M'nông ở bon Bu Prăng 1, Bu Prăng 2 đã có nhiều khởi sắc. Các cấp, ngành chức năng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt để thúc đẩy vùng đất, con người nơi đây phát triển hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức cho biết, thời gian qua, địa phương xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển bền vững. Huyện Tuy Đức luôn quan tâm tập trung nguồn lực, có nhiều chính sách thiết thực đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến các bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 trên tuyến biên giới nhằm góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển khu vực biên giới.

Cụ thể, địa phương sẽ tiến hành rà soát cấp đất sản xuất bổ sung cho bà con đồng bào. Huyện khảo sát mở thêm các tuyến đường kết nối với trung tâm hành chính của xã và huyện để tăng cường giao thương kinh tế.

Cùng với tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh tế, huyện sẽ khuyến khích thành lập các mô hình hợp tác xã, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khâu thu mua, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/doi-thay-tren-que-huong-m-nong-84883.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/doi-thay-tren-que-huong-m-nong-84883.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi thay trên quê hương M’nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO