Đời sống

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung

Mỹ Hằng 30/04/2023 05:00

Phát huy truyền thống anh hùng, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nâm Nung (Krông Nô) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

ADQuảng cáo

Một lòng theo cách mạng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ - Ngụy (1959 – 1975), Căn cứ kháng chiến Nâm Nung ( B4 – Liên tỉnh IV) là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Đức (cũ). Nơi đây xây dựng thực lực cách mạng từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, đập tan các cuộc hành quân cán quyét, bắn phá của địch.

Đây là địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan, ban ngành huyện ủy, tỉnh ủy, liên tỉnh; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến. Khu căn cứ còn có vai trò kết nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Bắc với miền Nam. Nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền để chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

dji_0014(1).jpg
Toàn cảnh xã Nâm Nung nhìn từ trên cao.

Căn cứ cách mạng Nâm Nung lúc bấy giờ nằm trong lòng dân. Đối với đồng bào các dân tộc M’nông ở đây dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, bà con trong xã đều theo Đảng, theo cách mạng. Ngày thì tăng gia sản xuất, đêm về tham gia dẫn đường, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Theo đánh giá, căn cứ kháng chiến Nâm Nung hàm chứa trong nó nhiều sự kiện lịch sử của một thời oanh liệt chống thực dân, đế quốc. Đây là địa bàn chiến lược trọng yếu của cách mạng miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng.

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn cho cách mạng của đồng bào nơi đây, năm 1994, Đảng, Nhà nước đã phong tặng quân và dân xã Nâm Nung danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 2005, di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung (B4-liên tỉnh IV) được công nhận là dịch tích lịch sử cấp quốc gia.

Vùng căn cứ thay da đổi thịt

Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế - xã hội của xã Nâm Nung nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, xã Nâm Nung nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt địa phương.

hinh1.jpg(1).jpeg
Từ trung tâm huyện vào xã được rải nhựa, bê tông hoá phẳng lỳ.

Về xã Nâm Nung trong những ngày tháng 4 lịch sử, từ trung tâm xã đến các thôn, bon, những vườn cà phê, cao su, tiêu... phủ một màu xanh mướt xen lẫn những ngôi nhà xây kiên cố khang trang như một minh chứng rõ nét về sự thay da, đổi thịt hàng ngày trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

Hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài theo những triền đồi đến tận các bon làng xa xôi, mang ánh sáng, góp phần phục vụ đời sống, thay đổi tư duy sản xuất của bà con nơi đây. Trên các con đường liên thôn, liên bon đang rộn rã tiếng xe ô tô, xe máy, máy cày, cười nói của người dân lên nương lên rẫy, tiếng vui đùa của trẻ thơ cắp sách đến trường trong những bộ áo quần gọn gàng, sạch đẹp.

ADQuảng cáo

“Trước đây, đời sống người dân nơi đây khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn làm ăn, xây dựng trường học nên con cháu được đến trường đầy đủ, giao thông đi lại thuận tiện... chúng tôi rất phấn khởi”

Ông Y Beo, bon R’cập, xã Nâm Nung (Krông Nô)

Còn ông Y Doanh, bon R’cập - người sinh ra và lớn lên gắn bó với núi rừng Nâm Nung chia sẻ: “So với ngày xưa, người dân Nâm Nung bây giờ đủ đầy, ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống sung túc, không còn đói rách lam lũ nữa. Hiện giờ, nhiều gia đình có tiền tỷ, có tài sản lớn, có xe hơi. Có được như vậy, người dân địa phương biết học hỏi, cần cù, sáng tạo trong cách làm ăn, phát triển trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, làm du lịch…Bà con mình cảm ơn Ðảng, Nhà nước nhiều lắm”.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Năm 2011, xã Nâm Nung bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới bằng con số “không” (chưa có tiêu chí nào đạt). Để đạt xã nông thôn mới, một trong những bước đi đầu tiên của địa phương là rà soát, phân chia lộ trình thực hiện cho từng tiêu chí. Trong đó, xã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, để vừa giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.

hinh2.jpg(1).jpg
Nhà cửa được xây dựng san sát, dân cư đông đúc.

Nổi bật như phong trào làm đường giao thông nông thôn, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, xã đã nâng cấp sửa chữa và cứng hóa hơn 18km đường giao thông các loại, với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng; trong đó người dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng. Chính sự đồng lòng của người dân mà mạng lưới giao thông trên địa bàn xã đã dần hoàn chỉnh. Từ khi các con đường được xây dựng, việc đi lại, thông thương, vận chuyển nông sản giữa các nơi đối với xã thuận lợi hơn nhiều, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, các nhà văn hóa thôn, bon được địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của bà con. Hằng năm, địa phương đều chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới. Qua đó, những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến được với Nhân dân và đã phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân.

hinh4(1).jpg
Đồng bào các dân  tộc xã Nâm Nung chung sức đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Công tác giáo dục đào tạo của xã có bước dần phát triển. Tỷ lệ trường học trên địa bàn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 66% và xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THCS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học đạt 92%; 100% người dân khi ốm, đau đều đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh…

Hiện xã Nâm Nung không còn hộ đói, 100% số hộ đã có điện thắp sáng, mua sắm được phương tiện nghe, nhìn và xe máy; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; đồng bào các dân tộc trong xã luôn chấp hành thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định.

Ðiều đáng phấn khởi là đồng bào các dân tộc nơi đây luôn sống đoàn kết và tương thân, tương ái hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đến nay, địa phương đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ dân sinh được xây dựng nâng cấp khá hoàn thiện.

Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung (Krông Nô)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO