Giáo dục - Đào tạo

Đổi thay ở ngôi trường vùng núi lửa Buôn Choáh

Dương Phong 19/11/2024 11:20

Sau 5 năm thực hiện việc sáp nhập, chất lượng dạy và học của Trường TH - THCS Nguyễn Viết Xuân, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã từng bước được khẳng định, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

Chăm lo cho học sinh khó khăn

Trường tiểu học và trung học cơ sở (TH-THCS) Nguyễn Viết Xuân có hơn 390 học sinh, trong đó có tới 70% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ làm kinh tế.

img_3088.jpg
Em H’Blonh Êban (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) được nhận hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong 3 năm học qua

Chia sẻ với những thiệt thòi của các em học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường đã có nhiều chương trình hỗ trợ động viên các em nỗ lực đến lớp. Ngoài xe đạp, sách vở, quần áo… được trao tặng đầu năm học mới, Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân còn kết nối, vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em yên tâm đến trường.

Học sinh H’Blonh Êban, lớp 6, Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân chia sẻ, sau ngày bố mất, cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề. Thấu hiểu những vất vả của mẹ, nhiều lần em muốn nghỉ học. May mắn, nhờ sự hỗ trợ của thầy cô và các nhà hảo tâm, con đường đến trường của em H’Blonh vẫn được tiếp tục.

Em H’Blonh cho biết: “3 năm nay, em được thầy cô giáo hỗ trợ tiền và học phí hàng tháng. Sự hỗ trợ này đã giúp mẹ giảm đi gánh nặng hàng tháng, em được yên tâm đến trường”.

img_3107.jpg
Từ sự kết nối của thầy cô giáo, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân được tiếp sức đến trường

Hoàn cảnh gia đình học sinh Y Quý Ênuôl, lớp 7 cũng không khá hơn gia đình em H’Blonh. Bố bỏ đi nhiều năm nay, mẹ Y Quý một mình gồng gánh nuôi 4 người con. Công việc làm thuê của mẹ không ổn định nên anh trai Y Quý phải nghỉ học để đi làm, phụ mẹ nuôi 3 em.

4 năm qua, Y Quý được thầy, cô Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân kết nối, hỗ trợ học phí, với số tiền 500.000 đồng/tháng. Số tiền được hỗ trợ liên tục trong 12 tháng, kéo dài cho đến khi em Y Quý học xong cao đẳng, đại học.

Chị H’Lôl Ênuôl (mẹ của học sinh Y Quý ) chia sẻ: “Tôi đi làm thuê mỗi ngày được hơn 200.000 đồng, chỉ đủ tiền mua gạo, muối. Từ ngày cháu Y Quý được nhận học bổng tôi rất vui, cảm kích vì tình cảm của thầy, cô giáo và mọi người dành cho gia đình tôi”.

Theo thầy giáo Phạm Quốc Khánh, xác định hỗ trợ học sinh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo là công tác đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội, thời gian qua, nhà trường luôn chủ động kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí để chăm sóc, đỡ đầu các em.

“Từ nhiều nguồn hỗ trợ, hàng chục học sinh của nhà trường đã được trao quà, nhận học bổng. Đây là nguồn động viên to lớn giúp các em có động lực vươn lên, nỗ lực trong học tập và trở thành những công dân tốt trong tương lai”, thầy giáo Phạm Quốc Khánh cho hay.

dji_20241112091943_0085_d.jpg
Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân được xây dựng trên diện tích 2,5ha.

Tiến tới danh hiệu trường chuẩn

Năm 2019, Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường là Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân và Trường trung học cơ sở Buôn Choáh.

Đi lên từ những khó khăn và được sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, đổi mới toàn diện về cơ sở vật chất.

img_3105.jpg
Thư viện xanh của Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân

Thầy Phan Văn Đồng, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân nhớ lại, trước khi được sáp nhập, điều kiện cơ sở vật chất của 2 trường rất khó khăn. Trong đó, Trường THCS Buôn Choáh nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi nước sông Krông Nô dâng cao. Có những năm, học sinh của nhà trường phải nghỉ học vì nước ngập đến gần 1m.

“Sau khi được sáp nhập, cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được đồng bộ, hiện đại. Tổng diện tích trường học là hơn 2,5ha. Thiết bị dạy, học đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc học tiểu học. Đến nay, 14/14 lớp học đã được trang bị tivi, phục vụ nhu cầu đổi mới dạy và học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy”, thầy Đồng thông tin.

img_3064.jpg
Đến nay, 14/14 lớp học của Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân đã được trang bị tivi, phục vụ nhu cầu đổi mới dạy và học

Hiệu trưởng Phan Văn Đồng cho biết thêm, bên cạnh cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được khẳng định. Đội ngũ giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao đối với công tác giảng dạy, tận tụy với nghề. Các thầy, cô giáo là những nhân tố tích cực, tiên phong trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành Giáo dục và địa phương.

Trong nhiều năm học qua, tập thể sư phạm nhà trường luôn bám sát và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của ngành Giáo dục về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Trong đó, trường thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cùng nhiều phong trào khác.

Trong công tác giảng dạy, nhà trường có nhiều nỗ lực thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực, tăng cường kỹ năng sống cho học sinh. Hoạt động dạy và học đã chuyển từ việc dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

img_3114.jpg
Sau 5 năm thực hiện sáp nhập, Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân đang tiến tới danh hiệu Trường Chuẩn Quốc gia mức độ 1

“Với tinh thần thi đua, đổi mới mạnh mẽ, nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc trong hoạt động giáo dục. Trong năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THCS và tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh các môn văn hóa, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật…”, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân Phan Văn Đồng cho hay.

Sau 5 năm thực hiện sáp nhập, Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân đã rà soát, tự đánh giá hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận trường đạt Kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và Trường Chuẩn Quốc gia mức độ 1. Nếu được công nhận, đây sẽ là động lực để tập thể sư phạm nhà trường nỗ lực, phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại vùng đất núi lửa Buôn Choáh.

Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THCS và tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học của Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân đạt 100%. Nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh các môn văn hóa, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật…”

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đổi thay ở ngôi trường vùng núi lửa Buôn Choáh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO