Đổi mới, sáng tạo để phát huy tối đa trí tuệ trong kỷ nguyên vươn mình
Trước yêu cầu cấp bách hiện nay, cần có những phương pháp và cách thức đổi mới, sáng tạo nhằm phát huy tối đa trí tuệ của tập thể, cộng đồng xã hội, nhân dân và mọi đối tượng.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là vấn đề đổi mới việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực sự là các “tế bào” của Đảng.
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trước hết thể hiện ở năng lực của Đảng trong việc đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương và những nghị quyết đúng đắn trong thực tiễn. Thấm nhuần những bài học trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như nhận thức về tầm quan trọng của “người cầm lái vĩ đại”, Đảng ta không ngừng nêu cao tinh thần, tâm thế là lực lượng tiên phong, đi đầu hội tụ bản lĩnh, tinh hoa và trí tuệ để tiếp tục dẫn dắt dân tộc và đất nước. Tầm nhìn viễn kiến và những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược được Đảng ta kết tinh vào trong những văn bản, nghị quyết đồng thời là “ngọn đuốc soi đường” để quán triệt sâu rộng, thống nhất hành động trong toàn Đảng và xã hội.
Nhằm phát huy hơn nữa yếu tố “kim chỉ nam” hết sức tích cực và ưu việt (cũng là bản sắc, đặc trưng của một Đảng Cộng sản đã cầm quyền và được tôi rèn trong lịch sử quá khứ đầy hào hùng của dân tộc), mỗi bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị Việt Nam phải là một tế bào có sức sống mạnh mẽ, đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, tổng kết lý luận và xây dựng các chương trình, mục tiêu, hành động thiết thực và hiệu quả.
Ở cấp độ cao nhất hiện nay, tức là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vai trò ấy được phản ánh rõ ràng nhất bằng việc đề ra các cương lĩnh phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc các nhiệm kỳ cùng những lãnh đạo, chỉ đạo ở tầm vĩ mô, chiến lược. Ở các thành tố, tế bào thứ cấp, cần thiết khơi dậy được năng lực sáng tạo, tinh thần đổi mới và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi tổ chức, cơ sở đảng. Mỗi tế bào cấu thành của hệ thống chính trị cần phát huy cao độ hơn nữa vấn đề đổi mới việc ban hành và quán triệt nghị quyết của Trung ương cũng như đơn vị, tổ chức của mình.
Vấn đề đổi mới việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực sự là các “tế bào” của Đảng... chính là phát huy cao độ trí tuệ tinh thần “tập thể lãnh đạo, lãnh đạo tập thể, lãnh tụ tập thể” mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ dẫn.
Trên cơ sở những văn bản, nghị quyết có tính dẫn đường, cầm lái, mỗi tế bào vững mạnh có điểm tựa lý luận để tạo ra sự đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo này của Đảng ta, mỗi tế bào của Đảng sẽ phát huy được năng lực của tập thể, cá nhân. Bởi nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, cá nhân xuất sắc, nổi bật nhờ tập thể, cá nhân hòa vào tập thể, tập thể nâng tầm cá nhân.
Dài hạn, khả thi và bền vững
Trước những đổi thay của thời cuộc và thực tiễn phong phú hiện nay, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của từng tế bào đảng cần phải đề ra các mục tiêu dài hạn, có tính khả thi và bền vững đối với ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách điều hành và quản lý. Nghị quyết số 28 – NQ/TW (2022) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã quán triệt chỉ ban hành văn bản mới khi thực sự cần thiết, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Nghị quyết này còn quán triệt đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên.
Thực tiễn chỉ ra rằng, thời gian qua một số địa phương, ngành, lĩnh vực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn tồn tại không ít hạn chế. Năng lực tổng kết thực tiễn, xây dựng nghị quyết, văn bản, tính dẫn dắt và tiên phong của các tế bào ấy chưa thật sự “sắc nét”, chưa biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của cơ sở, nhân dân và chính quyền địa phương, ngành và lĩnh vực mà mỗi đơn vị, tổ chức phụ trách, công tác. Tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện…đều là những biểu hiện cần khắc phục, chấn chỉnh ở mỗi tế bào.
Và như vậy, trước yêu cầu cấp bách hiện nay, cần có những phương pháp và cách thức đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy tối đa trí tuệ của tập thể, cộng đồng xã hội, nhân dân và mọi đối tượng trên các địa bàn, ngành, lĩnh vực của từng tế bào, đơn vị trong hệ thống chính trị Đảng ta.
Khớp như in với đời sống
Trong lịch sử Đảng ta, không ít giai đoạn, không ít thời kỳ những chỉ thị, nghị quyết được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh là đúng đắn. Chỉ thị 12/3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Tổng Bí thư Trường Chinh được ví “khớp như in với đời sống” hay như “Đề cương cách mạng miền Nam (1956) của nhà lãnh đạo Lê Duẩn; hay như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương (12/1963) đầy tính chính xác khoa học và tinh thần cách mạng trong sáng.
Nhớ lại câu chuyện các chiến sĩ trong trận đánh thắng tàu Maddox trở về, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra tận Sầm Sơn gặp những con người quả cảm và hỏi “Tại sao tàu mình thì nhỏ mà dám đánh tàu chiến Mỹ to thế và được trả lời: “Thưa anh, chúng em đánh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9”…
Tiếp đó là đường lối Đổi mới năm 1986 do Đảng ta đã khởi xướng cũng như các Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (năm 1991; bổ sung và phát triển năm 2011) đều là những văn bản có giá trị lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn rất đúng đắn… Trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không ngừng kế thừa những kinh nghiệm từ quá khứ và tiếp tục phát huy, đổi mới mạnh mẽ trong hiện tại. Phương thức ấy đã truyền dẫn tới từng tế bào của Đảng những hơi thở đầy sức sống, khơi dậy được năng lực sáng tạo, đột phá của mỗi bộ phận và các yếu tố cấu thành trong hệ thống chính trị Đảng ta.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã nêu ra quan điểm chỉ đạo của các nhà Mác-xít và của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về phương pháp và cách thức lãnh đạo, cầm quyền phải tiếp tục đổi mới sáng tạo khi tình hình đã khác, đã đổi thay. Tất cả những phương thức ấy cũng là giúp các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản của Đảng ngoài “khớp như in với đời sống” còn cần có “tính vượt trước” trên một số lĩnh vực, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS. Cù Văn Trung
Chuyên ngành Chính trị học