Giáo dục - Đào tạo

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh

Nguyễn Hiền 21/08/2024 09:57

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đang tích cực triển khai các giải pháp đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.

ADQuảng cáo

Đánh giá học sinh một cách toàn diện

Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô chia sẻ: “Việc kiểm tra, đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, quá trình kiểm tra, đánh giá phải làm sao để học sinh không lo sợ, mất tự tin mà phải tạo động lực để các em cố gắng, phấn đấu. Trường hiện nay có đông học sinh con em dân tộc thiểu số nên việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã tạo thêm động lực cho học sinh rất nhiều".

img_8090.jpg
Việc đổi mới đánh giá năng sẽ giúp học sinh con em dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi, tự tin hơn so với trước đây

Cũng theo cô Dung nhìn nhận, trước đây, việc đánh giá năng lực học sinh chủ yếu qua kết quả thi các môn Toán và Tiếng Việt. Nay học sinh được đánh giá thường xuyên, toàn diện, nhiều mặt hơn như kiến thức, năng khiếu, thể dục, mỹ thuật… Với cách đánh giá này, học sinh được động viên, ghi nhận khả năng của mình ở lĩnh vực thế mạnh nên nhiều em không còn tự ti.

Khi đánh giá năng lực của học sinh, giáo viên sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá qua các bài kiểm tra và đánh giá cả quá trình học tập. Giáo viên kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ. Đây là cách giúp các em từng bước khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng để ngày càng tiến bộ. Bình quân mỗi tiết, giáo viên sẽ phát hiện và đánh giá, nhận xét cho từ 3-4 học sinh.

img_8915.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa luôn tạo môi trường thân thiện, gợi mở giúp học sinh khám phá năng lực bản thân

Cô giáo Nguyễn Thị Sơn, Trường THCS Nâm N’đir, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô cho rằng: “Với phương pháp cũ, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh thường lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm. Hiện nay, giáo viên tập trung vào đánh giá năng lực của học sinh, chú trọng đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Giáo viên chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học; chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Giáo viên chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân”.

Với cách kiểm tra, đánh giá học sinh mới, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tự đánh giá việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Học sinh được tham gia đánh giá kết quả của bạn hoặc nhóm bạn để các em tự phản hồi với bản thân về kết quả học tập, rèn luyện của mình đạt ở mức nào so với yêu cầu. Việc áp dụng phương pháp kiểm tra, đánh giá mới giúp phân loại năng lực của học sinh một cách rõ ràng hơn.

Học sinh chuyển sang tâm thế chiếm lĩnh tri thức

Theo ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là cần thiết để phù hợp với sự phát triển. Đánh giá thành tích học tập hiện nay theo quan điểm phát triển năng lực, không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng giúp học sinh có khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

Từ khi áp dụng phương pháp đánh giá, kiểm tra mới đã tạo nhiều chuyển biến tích cực ở các trường phổ thông. Học sinh từ thụ động chuyển dần qua muốn chiếm lĩnh kiến thức nhiều hơn. Giáo viên có sự linh hoạt, chủ động hơn trong đánh giá học sinh, nhất là có sự sát sao hơn trong theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh.

Để nâng cao hiệu quả đánh giá năng lực học sinh, các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ học tập của từng học sinh. Thông qua đó, đưa ra những đánh giá chính xác nhất về tình hình học tập đối với từng học sinh. Giáo viên tăng cường trao đổi với phụ huynh học sinh về các nhận xét, đánh giá và giúp đỡ học sinh rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực.

img_0976.jpg
Giáo viên Trường THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức chú trọng hỗ trợ giúp học sinh giải quyết được khó khăn, vướng mắc để tự chiếm lĩnh nội dung bài học tốt hơn

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT của TP. Gia Nghĩa cho rằng, kiểm tra, đánh giá học sinh là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, khích lệ phát triển năng lực học tập của học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm mục tiêu giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

"Phòng GD-ĐT thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực. Phòng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh", bà Hà cho hay.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Năm học 2024-2025 là năm học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối, lớp. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, từ năm học này, việc ra đề thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT sẽ có sự thay đổi thích ứng với nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện đang triển khai.

Trong đó, riêng môn Ngữ văn, Bộ GD-ĐT lưu ý không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ. Việc không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra và thi sẽ khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn bảo đảm nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

img_8858.jpg
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ giúp học sinh tự tin hơn để khám phá khả năng của bản thân, vươn lên trong học tập

Để triển khai hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh ở các khối lớp, ngành Giáo dục Đắk Nông tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Cụ thể, ngành chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm dựa trên nghiên cứu bài học. Ngành tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

"Sở GD-ĐT tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018", ông Hải thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO