Đội cồng chiêng nữ dưới dãy núi Trường Sơn

laodong.vn| 13/08/2024 08:00

Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong đó, nhiều huyện miền núi ở Gia Lai được xem là cái nôi giữ hồn cốt và vẻ đẹp của cồng chiêng.

Đội cồng chiêng nữ dưới dãy núi Trường Sơn
Vẻ đẹp văn hóa của người bản địa trong sắc màu thổ cẩm. Ảnh: THANH TUẤN

Sau 10 năm kể từ khi đội chiêng nữ đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập (năm 2014), đến nay toàn tỉnh Gia Lai đã phát triển được gần 40 đội chiêng nữ với hàng nghìn phụ nữ Bahnar, Jrai tham gia.

Hình ảnh nữ giới cầm dùi đánh chiêng, gõ trống trong trang phục thổ cẩm mang đến sức sống mới cho cồng chiêng. Qua đó, góp phần trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng Tây Nguyên.

Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang ra đời vào tháng 7.2014 với 60 thành viên. Những năm qua, Câu lạc bộ tạo ấn tượng bởi lối chơi cồng chiêng mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, nhịp nhàng.

Sự xuất hiện của các Câu lạc bộ nữ cồng chiêng đã đem đến bất ngờ lớn cho hết thảy mọi người. Qua đó, xua dần đi quan niệm từ lâu đã in đậm trong tâm trí đồng bào Bahnar nơi đây, rằng đánh cồng chiêng là việc của đàn ông, cần sự khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Bà Đinh Thị Khóp - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chiêng nữ làng Leng cho biết: “Theo tập tục của người Bahnar, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy Di sản văn hóa của dân tộc. Khi già làng cho phép phụ nữ đánh chiêng, chúng tôi vô cùng phấn khởi và háo hức”.

Dù mới thành lập được 2 năm nhưng đội chiêng nữ làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng. Từ những bài nhạc chiêng truyền thống để đánh trong lễ bỏ mả, mừng lúa mới… đến những bài nhạc chiêng mới như: Mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi người lính, nhớ Bác Hồ…

Chị Leh, làng Ia Gri nâng chiếc chiêng lên gõ vài nhịp điệu nghệ cho biết: “Từ nhỏ, dù đã nhuần nhuyễn các điệu múa xoang do mẹ truyền lại, nhưng tôi vẫn ao ước cũng được học đánh cồng chiêng như các anh trai mình. Tôi thường lén nhìn các anh mình học đánh chiêng và rồi biết đánh lúc nào không hay”.

Hiện đội cồng chiêng của làng Ia Gri đã tập hợp được gần 30 người. Trong đó, có khoảng 10 chị em biết đánh cồng chiêng. Càng tập luyện càng thấy cồng chiêng có sức hút lạ kỳ.

Không chỉ tham gia hoạt động văn hóa tại cộng đồng, các đội chiêng nữ còn tham gia vào nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh Gia Lai. Các nữ nghệ nhân thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát trong từng động tác đánh chiêng, múa trống. Các tiết mục đặc sắc của cồng chiêng đã tái hiện lại đời sống tinh thần phong phú của những cư dân sinh sống giữa dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.

Các đội cồng chiêng nữ ở Gia Lai đã xuất hiện trong các chương trình, lễ hội rất lớn như “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm”; Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh… Từ đó, các đội cồng chiêng nữ đã góp phần quảng bá di sản cồng chiêng, giúp người dân trong và ngoài nước biết đến mảnh đất cao nguyên Gia Lai giàu bản sắc.

“Sự ra đời và hoạt động hiệu quả các đội cồng chiêng nữ đã khẳng định vai trò tích cực của phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đây là mô hình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn, làng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong cuộc sống” - Bà Rơ Chăm H’Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/doi-cong-chieng-nu-duoi-day-nui-truong-son-1379674.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/doi-cong-chieng-nu-duoi-day-nui-truong-son-1379674.ldo

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đội cồng chiêng nữ dưới dãy núi Trường Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO