Đắk Nông tươi đẹp, ân tình

Độc đáo lễ “Chut cha vai” của người Mạ tỉnh Đắk Nông

Mẫn Doanh 13/12/2024 14:33

Lễ “Chut cha vai” - mừng lúa sinh trưởng, một trong những lễ cúng liên quan đến vòng đời cây lúa gắn với ước vọng ấm no, đủ đầy của đồng bào Mạ ở Đắk Nông.

Mừng lúa sinh trưởng

Năm nay, ông K'Riêng, bon Ting wel Đơm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đã hơn 71 mùa rẫy. Vợ ông bà H'Khiêu cũng đã trải qua hơn 66 mùa rẫy. Mặc dù chỉ làm mấy sào lúa nước nhưng gia đình ông K'Riêng vẫn duy trì việc trỉa lúa đồi và làm lễ “Chut cha vai”.

cúng lúa Mạ 1
Nhiều năm qua, ông K'Riêng, bon Ting wel Đơm, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa vẫn trồng xen canh lúa nếp vào rẫy cà phê, vườn điều...

Ông K'Riêng vẫn còn nhớ như in những năm đầu trỉa lúa, gia đình thu hoạch được hơn 150 gùi lúa. Theo ông K'Riêng, để có được thóc lúa đầy kho, đầy bồ như thế, hàng năm gia đình ông đều làm lễ “Chut cha vai” cho đồi lúa rẫy nhà mình. Lễ được làm ở ngoài rẫy lúa và có các vật tế lễ.

Trước đây, ở các bon làng đồng bào Mạ, gia đình nào cũng đều làm rẫy trỉa lúa. Người Mạ quan niệm, giai đoạn lúa sinh trưởng là thời kỳ lúa đã bắt đầu có hạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, hồn thần lúa vẫn chưa trú ngụ trên thân cây lúa nên chưa chắc hạt, mùa màng không được bội thu như mong muốn. Vì vậy, đồng bào phải làm lễ “Chut cha vai” để rước hồn thần lúa về, ban cho mùa màng tốt tươi.

pn đt pc

Lễ mừng lúa sinh trưởng thường được tổ chức trong phạm vi một cộng đồng, một dòng họ hoặc một đại gia đình. Chính vì thế, vật hiến tế có thể là dê, heo, gà tùy theo phạm vi lớn hay nhỏ và tùy vào điều kiện của từng gia đình. Hạt lúa có vai trò hết sức quan trọng, nguồn lương thực chính nuôi sống gia đình. Vì vậy người Mạ không tiếc vật nuôi như: dê, heo, gà, vịt để cúng tế thần lúa…

cúng lúa Mạ 3
Sau khi chọn ngày cúng lúa, gia chủ tiến hành làm cây nêu

Để chuẩn bị chu đáo cho lễ “Chut cha vai", trước đó một ngày, gia đình ông K'Riêng đã mời già làng đến nhà để bàn tính việc làm lễ.

Ở bon Ting Wel Đơm này, già làng K’Ngul là người uy tín và am hiểu tường tận về luật tục truyền thống đồng bào Mạ.

Trước chính lễ một ngày, từ rất sớm, gia đình ông K'Riêng đã cử người vào rừng chặt cây tre làm cây nêu và ống lồ ô để làm cơm lam truyền thống. Khi đã chọn được cây ưng ý để làm nêu, gia đình và già làng sẽ tiến hành làm những vật trang trí cho cây nêu.

Những người lớn tuổi với bàn tay khéo léo dùng tre, lồ ô làm thành các hình chim đại bàng, con dê, con trâu, vòng tròn... tượng trưng cho các con vật hiến tế để gắn lên cây nêu
Những người lớn tuổi với bàn tay khéo léo dùng tre, lồ ô làm thành các hình chim đại bàng, con dê, con trâu, vòng tròn... tượng trưng cho các con vật hiến tế để gắn lên cây nêu

Theo già làng K’Ngul, trên cây nêu sẽ được trang trí nhiều hình thù khác nhau như: chim đại bàng, con dê, con trâu, vòng tròn (chiếc vòng tay của thần lúa)... Những hình thù con vật này mang ý nghĩa tượng trưng cho các con vật hiến tế cho Giàng (Yang) và hồn thần lúa. Làm như vậy để Giàng, hồn thần lúa về trú ngụ ban cho lúa thóc đầy bồ, mùa màng bội thu.

cúng lúa Mạ 4
Già làng đại diện gia đình tiến hành thực hiện các nghi thức hiến tế và khấn gọi thần linh về chứng kiến lễ

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật gồm 1 con gà trống, 1 ché rượu cần, già làng là người đại diện gia đình mang cây nêu cắm trên đồi lúa rẫy. Lúc này, gia đình ông K'Riêng và bà con bon tập trung xung quanh cây nêu, già làng tiến hành nghi thức hiến tế và khấn Giàng.

Ước vọng mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no

“Hỡi các thần sông, thần suối, thần đồi Nâm Rạ, đồi Qua nar, đồi Jiêng… Ngày hôm nay, chúng tôi làm lễ “Chut cha vai” mời các thần hãy về đây chứng giám, đón nhận lễ. Xin ban cho gia đình ông K'Riêng lúa thóc đầy kho, đầy bồ, đời sống bà con bon làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc”.

Lời khấn của già làng K'Ngul trong lễ “Chut cha vai” vang vọng khắp núi đồi. Với người Mạ, những lễ cúng này mang ý nghĩa bày tỏ tình cảm, mong ước và tạ ơn thần linh giúp cai quản ruộng lúa không bị chim thú quấy phá, vụ mùa bội thu, lúa chất đầy kho.

cúng lúa Mạ 5
Đồng bào Mạ khấn cầu thần linh ban cho cây lúa sinh trưởng tốt, chắc hạt, không bị sâu bọ, chim chóc, muông thú phá hoại, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no

Ngày nay, bên cạnh việc trồng lúa nước, nhiều hộ người Mạ trên địa bàn Đắk Nông vẫn giữ truyền thống làm lúa rẫy. Người Mạ duy trì các nghi lễ cúng liên quan đến vòng đời cây lúa như cúng trỉa lúa, mừng lúa sinh trưởng, mừng lúa mới, bỏ lúa vào kho...

Khi lúa chín vàng trên rẫy, người Mạ hái gùi lúa đầu tiên về làm lễ mừng lúa mới tạ ơn thần linh rồi mới tiến hành gặt lúa. Khi lúa được phơi khô cất vào kho thì làm lễ xin thần kho lúa bảo vệ lúa cả năm không bị hư, chuột không vào phá.

Lễ này làm trong phạm vi gia đình và họ hàng thân thiết nên chỉ làm con gà và ché rượu rồi đem ra kho lúa để cúng. Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa mà quy mô, lễ vật tổ chức khác nhau.

cúng lúa Mạ 7
Cây nêu được cắm trên đồi lúa cho đến khi lúa chín vàng, đồng bào Mạ lại tiến hành lễ cúng thu hoạch lúa

Ông K'Riêng chia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ biết làm lúa rẫy. Sau này mới biết trồng thêm cà phê, tiêu, điều nhưng mà vẫn không bỏ lúa rẫy vì quen rồi. Không chỉ có hồ tiêu, điều, cà phê mà gia đình tôi còn có lúa để ăn nữa. Có lúa ăn không lo đói khát. Có lúa rẫy, gia đình tôi còn tổ chức lễ “Chut cha vai”. Đó là truyền thống, là văn hóa của mình”.

cúng lúa Mạ 9
Mọi người cùng nhóm lửa nấu cơm lam, thịt nướng mừng lễ cúng mừng lúa sinh trưởng và thiết đãi khách đến chung vui

Sau khi kết thúc nghi thức cúng "Chut cha vai” trên nương rẫy, gia đình ông K'Riêng và bà con bon sẽ cùng nhau về nhà tổ chức tiệc mừng.

Chị H'Na, con gái ông K'Riêng đảm nhiệm việc chuẩn bị các món cơm lam, thịt nướng, cà đắng… Theo phong tục người Mạ, ngày làm lễ cúng, gia đình sẽ kiêng không ăn lá bép, đọt mây. Bởi họ quan niệm rằng làm như vậy sẽ không mang đến may mắn.

cúng lúa Mạ 10
Gia đình và khách uống rượu cần, mời nhau cơm lam, thịt nướng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn

“Trong lễ “Chut cha vai”, đồng bào còn kiêng không được ăn cá và lươn để tránh tay trơn tuột không thể tuốt được lúa. Là truyền thống từ xưa rồi, ông bà, cha mẹ dặn mình ghi nhớ và làm theo. Bao đời nay, đồng bào Mạ mình vẫn tin như thế”, Chị H'Na chia sẻ.

cúng lúa Mạ 8
Khi các nghi thức cúng thần linh kết thúc, đồng bào Mạ đánh chiêng, nhảy múa, ca hát từ nương lúa về đến nhà

Chiều dần buông, khi lễ vật đã được Giàng, thần hồn lúa đón nhận thì cũng là lúc bà con bon làng quay quần bên ché rượu cần, ngồi nghe già làng dặn dò và những lời ca, điệu múa, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã.

Việc tổ chức lễ “Chut cha vai – mừng lúa sinh trưởng” là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mạ. Thông qua các nghi lễ giúp đồng bào Mạ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Đọc tiếp

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Độc đáo lễ “Chut cha vai” của người Mạ tỉnh Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO