Độc đáo hò bả trạo ở vùng biển Quảng Nam

Nguyễn Hồng (t.h)| 12/03/2021 08:26

Hát bả trạo (hay hò bả trạo) là một hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian gắn với tục thờ cúng cá Ông của ngư dân vùng biển duyên hải miền Trung, gồm các yếu tố múa và hát với đạo cụ là mái chèo. Đây là một loại hình văn hóa phi vật thể phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, do các thế hệ tiền nhân sáng tạo, được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng.

Nội dung, ý nghĩa nghệ thuật hát bả trạo

Nội dung của nghệ thuật hát bả trạo là ca ngợi công đức của cá Ông, mô tả quá trình lao động vất vả, tinh thần dũng cảm, lạc quan, đoàn kết của ngư dân nhằm cầu mong cho một năm vươn khơi sóng yên, biển lặng, thuyền bè luôn đầy ắp tôm, cá.

Hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư ở xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ

Ở Quảng Nam, hát bả trạo được diễn xướng, tái hiện trong lễ hội cầu ngư (hay còn gọi là lễ tế cá Ông, lễ hội nghinh Ông...). Đây là một trong những lễ hội lớn của những ngư dân ven biển Quảng Nam, nó hàm chứa tất cả những niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề sông nước đối với biển cả nói chung và với cá Ông nói riêng. Chủ thể văn hóa thực hành diễn xướng hát múa bả trạo trong các lễ hội cầu ngư là cộng đồng dân cư các xã, phường ven biển Quảng Nam.

Trong phần hội của Lễ hội cầu ngư, cuốn hút nhất là màn diễn xướng dân gian hát múa bả trạo trên cạn hết sức độc đáo. Trên sàn diễn dựng ngay tại bãi biển là mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo. Màn múa hát bả trạo được trình diễn và khởi xướng bởi 3 người được chọn lựa rất kỹ, đó là 3 ông tổng: Tổng Mũi (còn gọi là Tổng Tiền), Tổng Khoang (còn gọi là Tổng Thương) và Tổng Lái (người chỉ huy con thuyền). Những người tham gia còn lại gọi là bạn chèo lập thành đội chèo.

Nội dung và ý nghĩa của những cuộc diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam đều xoay quanh việc ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá Ông. Tất cả họ đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng, đưa cá Ông về miền cực lạc.

Thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân miền biển

Ngoài nghi thức dân gian đối với cá Ông, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước, cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hòa, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp. Thông qua màn diễn xướng múa hát bả trạo, những người dân sông nước thể hiện những tâm tư, tình cảm trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả quê hương.

Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng, ta cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề của những ngư dân vùng biển dẫu cho mỗi chuyến ra khơi họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to, gió lớn, bão tố...

Chính vì những yếu tố nhân văn, sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu, thể hiện được bản sắc của cộng đồng, phản ánh được sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người cùng với sự kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài..., nghệ thuật diễn xướng hát múa bả trạo của các cộng đồng dân cư miền biển Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9/2013.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/doc-dao-ho-ba-trao-o-vung-bien-quang-nam-85071.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/doc-dao-ho-ba-trao-o-vung-bien-quang-nam-85071.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Độc đáo hò bả trạo ở vùng biển Quảng Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO