Phong phú các hiện vật
Đến với Trường mầm non Hoa Đào, ngoài cảnh quan xanh mát, không gian sạch đẹp, nhiều người sẽ bất ngờ và ấn tượng với góc truyền thống tại đây. Trải dọc hành lang của trường, góc truyền thống được trang trí bắt mắt với những vật dụng sinh hoạt, sản xuất đời thường của các dân tộc Kinh, M’nông, Mạ, Mông, Tày...
Các giáo viên tham gia sưu tầm và làm các đồ dùng để trang trí cho góc truyền thống |
Những bộ quần áo nhiều sắc màu, hay các vật dụng đánh bắt cá bằng tre nứa, cái khèn, cái trống được mô phỏng đúng kích thước thực, giúp trẻ dễ hình dung, cảm nhận được sự thân quen và thích thú trong những tiết học trải nghiệm, tham quan góc truyền thống.
Góc truyền thống với hơn 100 hiện vật của các dân tộc, được chia theo từng chủ đề riêng biệt như: Thư viện của bé, đồ chơi lễ hội, trang phục truyền thống, vật dụng hàng ngày… Tất cả vật dụng đều được chú thích bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa của một số dân tộc. Cách bài trí giúp cho trẻ dễ dàng nhận biết và tiếp cận hơn, đồng thời kích thích tính tò mò, ham tìm hiểu của trẻ, tạo nên những trải nghiệm sinh động, thú vị.
Những vật dụng trên được chính bàn tay các cô giáo, phụ huynh nhà trường bỏ công sưu tập, tự làm để trang trí cho góc truyền thống độc đáo này. Các cô giáo cũng hướng dẫn trẻ tham gia làm những đồ vật đơn giản, gắn liền với đời sống hàng ngày để trang trí theo chủ đề "Thư viện của bé" của góc truyền thống.
Tất cả vật dụng đều được chú thích cẩn thận bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa của một số dân tộc |
Cô Điểu Thị Loan, giáo viên Trường mầm non Hoa Đào cho hay: "Từ khi có góc truyền thống, các tiết học trải nghiệm cho trẻ trở nên sinh động hơn rất nhiều. Ngoài việc tự làm các vật dụng truyền thống của các dân tộc, tôi còn tìm tòi, học hỏi những phong tục, tập quán đặc trưng của từng dân tộc để có thể giải thích và giảng bài cho trẻ sao dễ hiểu nhất".
Một cách làm hay, hiệu quả
Nằm trên địa bàn xã vùng 3 Đắk Som, Trường mầm non Hoa Đào có một điểm trường chính và 4 điểm lẻ với 432 trẻ, trong đó trẻ người dân tộc thiểu số chiềm gần 90%. Trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góc truyền thống chính là cách làm hay, hiệu quả để cho trẻ có không gian vui chơi, học tập tốt hơn.
Các em tham gia tiết học trải nghiệm tại góc truyền thống của trường |
Góc truyền thống trưng bày các vật dụng của các dân tộc là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025 của nhà trường. Mỗi năm, các giáo viên trong trường lại bổ sung và chăm chút lại góc truyền thống sao cho ngày một phong phú, đặc sắc, độc đáo như hiện nay.
Cô Bùi Thị Nhài, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào cho biết: "Trẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số với những phong tục, tập quán khác nhau. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng các tiết học trải nghiệm, góc truyền thống sao cho thật phong phú, gắn liền với văn hóa, bản sắc dân tộc của các em".
Qua đánh giá, trẻ rất hứng thú tìm hiểu và hào hứng tham gia trang trí góc truyền thống cùng với các cô giáo. Đây là mô hình giáo dục phù hợp với đặc điểm trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp trẻ nhận biết được các nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc tại địa phương.
Cũng từ sáng tạo này, nhà trường triển khai hiệu quả Đề án tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và năm học 2019 - 2020 được UBND huyện Đắk Glong khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.