Di sản - Truyền thống

Độc đáo bản sắc văn hóa người M’nông

Bùi Nhị Đông Khuê 01/01/2025 13:50

Tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa vẫn mãi sáng chói, không chỉ thể hiện tầm nhìn sâu sắc của Người về văn hóa mà còn là sự quan tâm, đau đáu với công cuộc xây dựng một nền văn hóa phát triển, giàu bản sắc và gắn liền với sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước. Quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tiếp bước được thể hiện qua những lời dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa không chỉ là tài sản của một dân tộc, mà còn là tài sản chung của nhân loại”; có văn hóa, có chính trị. Có văn hóa có sức mạnh”; “văn hóa cần phải đi đôi với hành động” hay “văn hóa là linh hồn của dân tộc”.

Lễ cúng mừng lúa mới
Lễ cúng mừng lúa mới

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là câu chuyện dài, được triển khai sâu rộng ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Văn hóa, bản sắc dân tộc của người M’nông cũng được quan tâm, đầu tư, bảo tồn, gìn giữ và phát triển trong thời gian qua. Văn hóa của người M’nông rất phong phú và có những nét đặc trưng riêng, đó là sự gìn giữ, phát triển của những lễ hội truyền thống; là tiếng chiêng; nghề dệt thổ cẩm; lời hát kể khan… tất cả đã và đang tạo nên một nét văn hóa riêng để thu hút bạn bè đến với cao nguyên M’nông Đắk Nông thời gian qua.

Trang phục và nghề thủ công truyền thống

Khi nhìn mỗi con người, có thể phát hiện ra người ấy đến từ đâu. Người phụ nữ Việt Nam, đi khắp thế giới, thướt tha với trang phục áo dài duyên dáng sẽ không lẫn với một quốc gia nào. Với người M’nông, có trang phục đặc trưng, phụ nữ thường mặc váy dài với hoa văn thổ cẩm rực rỡ, còn đàn ông thường mặc khố và áo chui đầu, phụ kiện đi kèm là những món trang sức bằng đồng, hạt cườm. Vào các lễ hội truyền thống, nhiều bộ trang phục đặc sắc được phụ nữ M’nông chọn khoác lên mình thể hiện sự khéo léo, tinh tế khi những trang phục ấy được chính tay họ dệt nên. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân tộc M’nông, mang đậm dấu ấn văn hóa và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình, lớp tập huấn, chính sách… để góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này.

Thổ cẩm của người M’nông được dệt từ sợi bông hoặc các loại sợi tự nhiên khác, các họa tiết trên thổ cẩm của người M’nông thường mang tính tượng trưng cao, thể hiện quan niệm về vũ trụ, thiên nhiên và cuộc sống. Những hình ảnh thường thấy trong các trang phục ấy là hình của núi rừng, con người, động vật hoặc các biểu tượng tâm linh. Mỗi hoa văn điều có ý nghĩa riêng, thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên và tín ngưỡng truyền thống. Sản phẩm dệt thổ cẩm của người M’nông đa dạng, gồm có váy áo truyền thống, túi thổ cẩm, khăn thổ cẩm, khăn choàng, khăn trải bàn… những sản phẩm ấy không chỉ được phục vụ trong nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn được sử dụng trong các lễ hội, được làm quà, làm sản phẩm văn hóa du lịch để giới thiệu với du khách khi đến với Đắk Nông, đến với Việt Nam. Hiện nay, quy trình dệt hoàn toàn được làm thủ công và đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn một số làng nghề còn được duy trì nhỏ lẻ như: Bon Pi Nao – xã Nhân Đạo, bon Ol Bu Tung ở xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp); bon ở xã Đắk Nia – thành phố Gia Nghĩa; bon ở xã Nâm Nung – huyện Krông Nô. Dệt thổ cẩm của người M’nông đang đứng trước những thách thức lớn về nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất ra một sản phẩm cao, đầu ra không có và đặc biệt là chưa được đầu tư, giải quyết những vướng mắc một cách triệt để. Tuy nhiên, trong tương lai, với việc đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, hy vọng những sản phẩm dệt của người M’nông sẽ được tiếp cận thị trường rộng rãi hơn, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm thổ cẩm.

Nghệ nhân H Yon bên tấm thổ cẩm được đặt để mang đi Du Bai
Nghệ nhân H Yon bên tấm thổ cẩm được đặt để mang đi Du Bai

Lễ hội truyền thống và tín ngưỡng

Những sản phẩm dệt thổ cẩm được người phụ nữ M’nông tạo nên phần lớn được sử dụng trong các lễ hội truyền thống. Người M’nông có rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh đời sống tín ngưỡng, mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên. Những lễ hội này liên quan đến tín ngưỡng thờ thần linh và các lực lượng siêu nhiên nhằm cầu mong mùa màng bội thu, cầu sức khỏe và sự bình ban trong cuộc sống. Các lễ hội mang tính chất cộng đồng và diễn ra theo mùa vụ nông nghiệp, các sự kiện quan trọng trong đời sống như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, lễ bỏ mã…, có sự gắn kết chặc chẽ giữa các lễ hội và tín ngưỡng của người M’nông. Tín ngưỡng từ xa xưa, gắn liền với việc thờ thần linh, các vị thần tự nhiên, tổ tiên và linh hồn của đất, nước, núi rừng. Những nghi lễ này không chỉ mang tính tôn giáo mà còn là cách để giữ gìn và truyền dạy các giá trị văn hóa đang dần bị mai một, thất truyền.

Nhịp chiêng, điệu múa và âm nhạc M’nông

Trong các lễ hội truyền thống của người M’nông không thể thiếu được tiếng chiêng, điệu múa quanh ánh lửa bập bùng. Cồng chiêng là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người M’nông, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Âm thanh của cồng chiêng khi phát ra thể hiện sự giao hòa giữa con người và thế giới tâm linh, biểu diễn cồng chiêng là hoạt động không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội của người M’nông. Bộ cồng chiêng gồm 6 đến 12 chiếc, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay, những điệu múa truyền thống và cồng chiêng vẫn được gìn giữ, xuất hiện trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa ở các buôn làng. Đặc biệt hàng năm, thông qua các cuộc thi, hội diễn văn hóa văn nghệ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều các tiết mục hát, múa mang đậm chất truyền thống của người M’nông, trong đó không thể thiếu sự xuất hiện của tiếng cồng chiêng, các điệu múa… Nhiều nghệ nhân M’nông ở các bon nói rằng: Tiếng chiêng không chỉ là truyền thống của đồng bào dân tộc mình, mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của bà con dân tộc M’nông. Khi được hòa mình vào âm thanh của tiếng chiêng ấy, mọi mệt mỏi, vất vả sau một ngày lên nương làm rẫy, lao động đã được vơi đi rất nhiều. Với âm nhạc của người M’nông, ngoài tiếng cồng, tiếng chiêng, còn có những nhạc cụ khác hòa quyện, tạo nên một âm hưởng, bản sắc riêng mà không phải dân tộc nào có được.

Những lời hát kể khan và kể sử thi

Hát kể khan là một hình thức nghệ thuật độc đáo, nơi người nghệ nhân kết hợp giữa hát và kể chuyện, giúp truyền tải tri thức và các giá trị văn hóa cho các thế hệ, tại đây các câu chuyện dân gian, huyền thoại và lịch sử được truyền tải qua giọng hát của người nghệ nhân. Nội dung và các bài hát thường xoay quanh chủ đề tình yêu, cuộc sống, những truyền thuyết của dân tộc, các nhân vật anh hùng, các sự kiện lịch sử. Hát kể khan không chỉ là một hình thức giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ, lễ hội của người M’nông. Những buổi hát kể khan thường được tổ chức trong các dịp lễ lớn như lễ mừng lúa mới, lễ cưới, lễ hội truyền thống và gần đây, trong các cuộc thi, liên hoan dân ca các dân tộc được tổ chức hàng năm tại Đắk Nông đã góp phần gìn giữ, bảo tồn hình thức văn hóa này.

Sử thi M’nông là một phần quan trọng trong di sản văn hóa truyền thống của người M’nông ở Đắk Nông. Sử thi không chỉ phản ánh đời sống, phong tục tập quán mà còn thể hiện tư tưởng, tâm tư và tình cảm của cộng đồng người M’nông, thông qua sử thi, thế hệ trẻ được truyền dạy về lịch sử, phong tục tập quán và giá trị đạo đức của dân tộc. Người M’nông gọi sử thi là “Ót N’rông”, là dòng thơ trường thiên, tự sự, có giá trị phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh hiện tại, sử thi M’nông đang đứng trước nhiều thách thức khi văn hóa đa vùng miền, đa sắc tộc cùng sự thay đổi trong lối sống đã làm thay đổi, mai một vốn giá trị văn hóa đặc trưng này. Đã và đang có nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành và nghệ nhân để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của sử thi như tổ chức các buổi biểu diễn, hội thảo, các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ hay tham gia các cuộc thi văn hóa nghệ thuật được các cấp ngành tổ chức. Sử thi không chỉ là một hình thức nghệ thuật độc đáo mà còn là một kho tàng tri thức, có giá trị văn hóa quý giá, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “…khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ…” đã một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa giữ vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Cũng tiếp nối phát biểu tại Hội nghị ngày, cố Tổng bí thư đã gửi gắm một mong muốn, để chúng ta những người tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ văn hóa phải nhớ “…Tôi tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có nhiều chuyển biến, tiếng bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dáu mốc mới trên con đường chấn hung, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới…”.

Việc tìm hiểu, gìn giữ, phát triển văn hóa, bản sắc của người M’nông tại Đắk Nông cũng phát triển từ lời dạy của những thế hệ đi trước, đã được cụ thể hóa trong rất nhiều văn bản, nghị quyết, và cần thiết nhất hôm nay là hành động, tất cả cùng chung tay để thực hiện những lời dạy, mong mỏi đó. Tìm hiểu văn hóa của người M’nông như lạc vào một mê cung với vô vàng điều thú vị, mới mẻ. Đó là một miền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú cần được gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp và đầu tư phát triển mạnh mẽ, sâu rộng để không chỉ tạo nên nét văn hóa riêng của Đắk Nông mà còn để níu chân du khách khi đến, tham quan, tìm hiểu và không thể quên. Không chỉ để du lịch chỉ đến một lần, mà còn phải tiếp tục tìm đến nhiều lần sau nữa. Để mong sao cảm nhận của mỗi người khi đến với Đắk Nông là được thấy, gặp, nghe một bản hòa âm trên cao nguyên M’nông đầy thú vị, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của người M’nông.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Độc đáo bản sắc văn hóa người M’nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO