Đa dạng các loại hình kinh doanh
Năm 2017, anh Nguyễn Tăng Hưng đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến cau xuất khẩu tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút). Đây là một trong những nhà máy đầu tiên trong cả nước có sự đầu tư bài bản để sản xuất cau xuất khẩu.
Mỗi năm, nhà máy thu mua từ 3.000-4.000 tấn cau tươi từ các địa phương trong và ngoài tỉnh phục vụ chế biến. Nhà máy tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nhà máy mang về cho anh Hưng lợi nhuận mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng.
Anh Hưng cho biết, trái cau có vị ấm, rất thơm ngon, người dân trồng rất nhiều, nhưng đầu ra chưa có. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cau để làm kẹo rất lớn.
"Xuất phát từ nhu cầu đó, tôi đã tìm tòi và đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ, nhằm giúp người trồng cau có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con”, anh Hưng chia sẻ.
Doanh nhân Nguyễn Tăng Hưng (bên trái) kiểm tra sản phẩm tại Nhà máy chế biến cau xuất khẩu |
Từ khi nhà máy hoạt động, giá trái cau trên địa bàn tỉnh tăng lên từ 30-40 lần so với trước. Cụ thể, cau từ mức giá 5.000-7.000 đồng/kg, nhưng sau đó tăng lên tới trên 90.000-100.000 đồng/kg.
Năm 2019, anh Hưng tiếp tục đầu tư 14 tỷ đồng để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên diện tích 4 ha. Tận dụng không gian 7.000m2 dưới mái điện, anh làm trang trại chăn nuôi khép kín khoảng 5.000 con vịt xiêm, 100 con heo rừng lai.
Chăn nuôi giúp anh có nguồn phân chuồng bón cho vườn cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài úc... Gia đình anh còn nuôi 300.000 con cá lóc, 200.000 con cá rô phi...
Từ các mô hình nông nghiệp, mỗi năm, gia đình đang thu về từ 3-4 tỷ đồng; đồng thời, tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy nhu cầu học bằng lái xe ô tô ngày càng nhiều, năm 2019, anh Hưng thành lập Công ty TNHH Nam Cao Nguyên. Mỗi năm, Công ty nhận đào tạo lái xe ôtô cho khoảng 4.000 học viên, tạo nguồn thu hàng tỷ đồng.
Doanh nhân Nguyễn Tăng Hưng đề cao trách nhiệm với cộng đồng |
Sát cánh cùng cộng đồng
Cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng năm, doanh nhân Nguyễn Tăng Hưng còn tích cực tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng.
Đơn cử trong năm 2022, gia đình anh hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Các gia đình còn được anh hỗ trợ 20 triệu đồng/năm để mua sắm dụng cụ học tập cho con cái.
Thời gian qua, anh hỗ trợ Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) 50 triệu đồng, tài trợ 20 suất học bổng (500.000 đồng/suất), 25.000 tập vở cho học sinh; hỗ trợ Trường tiểu học Bi Năng Tắc, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), 130 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất…
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại địa phương, gia đình anh còn hỗ trợ hàng trăm tấn thực phẩm cho các khu cách ly, khu điều trị trên địa bàn.
Anh Nguyễn Tăng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Cao Nguyên (Cư Jút) hỗ trợ nhà tình thương cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đắk Gằn (Đắk Mil) |
Theo ông Đỗ Viết Hạnh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn (Đắk Mil), doanh nhân Nguyễn Tăng Hưng hiện đang kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hàng năm, doanh nhân Nguyễn Tăng Hưng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quan tâm tới vấn đề việc làm, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của anh Hưng đã góp phần cùng với địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống
Hội Doanh nhân trẻ Ðắk Nông hiện có gần 300 hội viên. Thời gian qua, các hội viên đã tích cực tham gia các hoạt động phúc lợi như: hỗ trợ xây nhà tình thương; Chương trình “ATM gạo 0 đồng”; tặng quà cho học sinh hiếu học… Hội Doanh nhân trẻ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh nhằm tăng cường gắn kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. |