Doanh nghiệp xây dựng tìm cách né "bão" tăng giá vật liệu

Nguyễn Lương| 18/06/2021 08:56

Giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao, nhất là mặt hàng sắt thép, khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào khó khăn. Trước tình thế này, các doanh nghiệp xây dựng đưa ra nhiều giải pháp để hoạt động có hiệu quả.

ADQuảng cáo

Tiết kiệm chi phí đầu vào

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đắk Nông, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép tại doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh VLXD tăng cao. Thời điểm tăng cao nhất được ghi nhận là từ đầu tháng 4/2021, khi giá sắt, thép tăng từ 40-50% so với các tháng trước đó. Sự tăng giá chóng mặt buộc nhiều nhà thầu trên địa bàn tìm cách chống đỡ.

Giá sắt, thép tăng cao, Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông phải tiết kiệm chi phí đầu vào

Là một trong những đơn vị hoạt động khá vững trong lĩnh vực xây dựng, Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn vì giá VLXD leo thang. Theo ông Lê Đức Thịnh, Giám đốc Công ty, hiện tại, đơn vị đã, đang thi công trên dưới 15 công trình xây dựng.

Để hoàn thành công trình như cam kết trong hợp đồng, đơn vị phải “thắt lưng buộc bụng” để giảm giá thành. Từ quy trình đấu thầu đến giám sát thi công được đơn vị thực hiện chặt chẽ.

Trong quá trình giám sát, tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào, phí nhân công và chi phí liên quan khác được công ty tiết kiệm triệt để. "Làm sao thực hiện đúng bản vẽ đã thiết kế nhưng phải tránh lãng phí trong xây dựng. Để bảo đảm nguồn vốn thi công khi giá vật liệu tăng, doanh nghiệp phải xoay trở từ vay mượn, thế chấp tài sản liên quan khác để phục vụ hoạt động”, ông Thịnh chia sẻ.

Ông Thịnh phân tích thêm, thông thường một công trình xây dựng có quy mô trung bình, thời gian kéo dài khoảng 1 - 2 năm. Chi phí vật liệu xây dựng tùy vào đặc thù của từng loại dự án, nhưng thông thường bình quân chiếm từ 20%-30% giá thành xây dựng công trình.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án xây dựng phòng học đa năng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa)

Hiện nay, đa số doanh nghiệp xây dựng đều gặp khó khăn vì giá VLXD tăng. Thậm chí, nhiều đơn vị không kịp "trở tay". Đối với những công trình đã ký kết, các đơn vị phải cố gắng đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư để điều chỉnh giá vật tư.

"Trong trường hợp thương lượng không thành, các doanh nghiệp phải "tự thân vận động", xoay vòng vốn khắp nơi để hoàn thành công trình đúng thời gian, với mục đích giữ uy tín cho công ty", ông Thịnh cho biết.

Mở rộng kinh doanh nhiều dịch vụ

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Phúc Hải (Đắk Mil) là một trong những đơn vị có thâm niên trong lĩnh vực xây dựng công trình. Hiện nay, giá VLXD tăng cao, công ty phải tìm phương án mới để duy trì hoạt động.

Ngoài tiết kiệm các khâu như đấu thầu, hạ giá thành công trình, đơn vị còn chuyển hướng sang kinh doanh các loại VLXD khác để duy trì nguồn thu. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Hải, kinh doanh VLXD vừa đúng với ngành nghề đăng ký, vừa giúp tiết kiệm giá thành khi thi công công trình, vì nguồn vật liệu không qua khâu trung gian.

Hơn thế, công ty hoạt động lâu nay trong nghề xây dựng nên đầu ra cho các loại vật liệu khá thuận lợi. Nguồn thu từ kinh doanh VLXD, đơn vị xoay vòng để thanh toán chi phí cho người lao động và đấu thầu công trình mới.

Thời điểm chưa thi công nhiều công trình, công ty tranh thủ bảo dưỡng các máy móc, thiết bị. "Đợi dịch bệnh tạm lắng, mọi nguồn lực được công ty chuẩn bị tốt hơn phục vụ công tác đấu thầu, triển khai công trình mới”, ông Hải cho biết.

Công ty TNHH MTV Phúc Hải tranh thủ bảo dưỡng thiết bị, máy móc để phục vụ triển khai công trình mới

Hợp lực để gỡ khó

Hiện nay, có khoảng gần 100 doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Trong đó, có khoảng 17% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Trước tình trạng khó khăn khi giá VLXD tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất lên các cấp, ngành để có giải pháp hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trí Kỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện nay, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều gặp khó khăn. Trước mắt, về phía Hiệp hội đã phản ánh đề xuất của doanh nghiệp lên các cấp, ngành chức năng để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn về lâu về dài, Hiệp hội sẽ sớm thành lập ra câu lạc bộ ngành xây dựng với tinh thần cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Quan trọng hơn, việc thành lập câu lạc bộ này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp đón đầu những cơ hội sắp tới.

Khi dịch bệnh tạm lắng, Đắk Nông dự báo sẽ "bùng nổ" các dự án về du lịch, nông nghiệp, hạ tầng… đòi hỏi mức đầu tư, máy móc, nguồn nhân lực lớn, bảo đảm tiến độ công trình. Trước yêu cầu này, bắt buộc phải có sự hợp lực của nhiều doanh nghiệp. Vì hiện nay, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Kỷ nhấn mạnh: “Cùng với nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hoạt động tốt, các cơ chế đấu thầu phải hướng đến tính công khai, minh bạch. UBND tỉnh, các cấp, ngành cần có cơ chế ưu tiên cho nhà thầu địa phương”.

Mặt bằng chung giá các loại vật tư xây dựng hiện nay tăng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2021. Trong đó, cao nhất là sắt, thép (chiếm 20% tỷ trọng xây dựng) đã tăng từ 45%-50% so với đầu năm. Việc tăng giá VLXD như vậy kéo theo hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xây dựng tìm cách né "bão" tăng giá vật liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO