Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó vì chiết khấu thấp

Lê Dung| 20/02/2023 12:18

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu Đắk Nông đang gặp khó khăn vì mức chiết khấu bán lẻ quá thấp. Các doanh nghiệp đang trông chờ phương án điều chỉnh phù hợp, nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh doanh ổn định trở lại.

Doanh nghiệp thấp thỏm

Bình quân mỗi tháng, Công ty TNHH MTV Thương mại và xăng dầu Minh Khoa (Đắk R’lấp) bán ra thị trường khoảng 60.000 lít xăng, 20.000 lít dầu, giảm 50% so với năm trước.

Theo ông Phan Thanh Hiển, Giám đốc Công ty, mặc dù Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Tuy nhiên, đến nay, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối dành cho các đại lý bán lẻ xăng dầu vẫn rất thấp, từ 0-50 đồng/lít.

Ngoài mức chiết khấu thấp, doanh nghiệp còn đang phải chịu một phần hao hụt về sản lượng do chênh lệch nhiệt độ trong quá trình vận chuyển xăng dầu từ TP. Hồ Chí Minh và Đắk Nông, với khoảng 100 đồng/lít.

Hai năm qua, Công ty TNHH Thương mại và xăng dầu Minh Khoa (Đắk R'lấp) đang phải bù lỗ gần 1,7 tỷ đồng để duy trì hoạt động

Nếu tình trạng này kéo dài, Công ty sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình kinh doanh. Bởi trong gần 2 năm qua, Công ty đã phải bù lỗ gần 1,7 tỷ đồng để duy trì hoạt động cho cây xăng.

Đời sống của người lao động và hoạt động cung ứng xăng dầu cho người dân cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, Công ty có 6 nhân viên bán hàng, nhưng giờ rút xuống chỉ còn 1 người.

Tương tự, Cửa hàng Xăng dầu vật tư Đắk Nông (Gia Nghĩa) cũng đang mong mỏi cơ quan quản lý sớm có những biện pháp phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Trong đó, mức chiết khấu cần điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán lẻ trong giá cơ sở; bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu dành cho đại lý bán lẻ xăng dầu.

Doanh nghiệp mong muốn mức chiết khấu từ 5-7% trên giá bán lẻ xăng dầu, từ đó bảo đảm chi phí kinh doanh.

Người dân mua xăng tại Cửa hàng Xăng dầu Vật tư Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Mong một quyết sách khả thi

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, qua mức chiết khấu thực tế cho thấy, xăng dầu bán ra đang lỗ 50 đồng/lít. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi về việc điều hành thị trường xăng dầu.

Đầu tháng 2/2023, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý vào dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

VCCI cho rằng, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như: cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng, dầu…

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Đắk Nông mong mỏi sớm có lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ phù hợp

VCCI đề nghị, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.

Còn khi Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Theo ông Phan Thanh Hiển, giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và xăng dầu Minh Khoa, thời gian công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nên là 15 ngày/lần thay vì 7 ngày/lần như dự thảo tờ trình của Bộ Công thương.

Bởi thời gian 7 ngày/lần thì quá ngắn. Trong 2 kỳ điều chỉnh giá đó, doanh nghiệp khó đoán được biên độ dao động giá để cân đối lượng hàng nhập vào.

Ông Trần Nguyễn Xuân Đại, Chủ cửa hàng Xăng dầu vật tư Đắk Nông cho biết, quy định mới phải giải quyết được vấn đề lợi nhuận, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Có như thế, việc nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu mới sớm trở lại ổn định.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó vì chiết khấu thấp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO