Kinh tế

Doanh nghiệp Toàn Hằng cùng nông dân nâng cao ngành hàng cà phê

Phan Thanh Nga 28/08/2024 06:54

Nhiều nông dân ở huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) liên kết với Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng sản xuất cà phê bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng .

Anh Trần Văn Ngụ, ở thôn 9, xã Nhân Cơ có 1.300 cây cà phê, mỗi năm thu hoạch trên 5 tấn nhân nhờ trồng theo tiêu chuẩn 4C. Anh Ngụ bắt đầu sản xuất cà phê tiêu chuẩn 4C từ năm 2011, tính đến nay đã 13 năm.

“Khi mới bắt đầu tham gia nhóm sản xuất cà phê 4C, chúng tôi được Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng. Từ đó, tôi thay đổi hoàn toàn cách chăm sóc cà phê. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê của doanh nghiệp đã giúp chúng tôi nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, anh Ngụ chia sẻ.

img_0631(1).jpg
Anh Trần Văn Ngụ ở thôn 9, xã Nhân Cơ có 1.300 cây cà phê nhưng mỗi năm thu hoạch trên 5 tấn nhân nhờ trồng theo tiêu chuẩn 4C

Theo anh Ngụ, trước đây anh cứ nghĩ bón nhiều phân hóa học thì cây sẽ tốt, đạt năng suất cao. Nhưng không phải vậy, trồng cà phê 4C cần bón phân đủ lượng và theo nhu cầu cây trồng.

Anh tận dụng phân chuồng ủ với vỏ cà phê và các phụ phẩm nông nghiệp khác làm phân hữu cơ. Loại phân này vừa tốt, vừa giảm chi phí đầu tư rất nhiều.

“Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê 4C mà tôi được làm tổ trưởng sản xuất của doanh nghiệp nhiều năm”, anh Ngụ vui vẻ chia sẻ.

img_0579(1).jpg
Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp thăm vườn cà phê của ông Đào Vũ ở xã Đắk Wer

Ông Đào Vũ ở thôn 14, xã Đắk Wer có 2.000 cây cà phê. Nhờ tuân thủ quy trình trồng cà phê 4C nên hàng năm vườn cà phê đạt năng suất trên 7 tấn nhân.

Ông Vũ cho biết: “Khi áp dụng trồng cà phê 4C, chúng tôi được tiếp cận nhiều kiến thức hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ ra trước đó chăm sóc cây trồng không đúng cách vừa gây lãng phí tiền của, vừa lao động trong môi trường độc hại”.

Theo ông Vũ, trước đây, mỗi khi cà phê cỏ nhiều là ông mua thuốc về xịt cho cỏ chết. Từ khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cà phê 4C, ông sử dụng máy để cắt cỏ.

Lớp cỏ được cắt sau một thời gian sẽ thành phân bón cho cây, đất đai tơi xốp. "Trước đây, chỉ vài cây bị sâu bệnh thì tôi xịt thuốc hóa học cả vườn. Sau này, tôi chỉ xịt những cây bị bệnh và khoanh vùng không để lây lan", ông Vũ chia sẻ.

Làm cà phê 4C vừa giảm chi phí, năng suất cao, bảo vệ môi trường lại được Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên nông dân vui mừng và kiên trì chăm sóc.

Anh Ngụ cho biết, trước đây, mỗi kg cà phê nhân anh được doanh nghiệp mua cao hơn thị trường 300 đồng. Hiện nay, mức hỗ trợ này giảm xuống còn 100 đồng/kg nhưng anh vẫn rất vui. Tuy mức hỗ trợ không cao như trước, nhưng đây là nguồn động lực để anh sản xuất cà phê sạch, làm nông nghiệp tử tế.

img_0585(1).jpg
Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng đang liên kết với nông dân trồng 2.000ha cà phê

Hiện nay, Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng đang liên kết với nông dân trồng 2.000ha cà phê đạt chứng nhận bền vững. Ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng cho biết: “Doanh nghiệp và nông dân liên kết trồng cà phê sẽ góp phần phát triển bền vững ngành hàng này. Hàng năm, doanh nghiệp đều tập huấn kỹ thuật và kiểm tra chặt chẽ quy trình chăm sóc cà phê của các hộ nông dân”.

Trong tháng 8 này, Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Hằng đã mời các kỹ sư tập huấn kỹ thuật canh tác và quản lý vườn cà phê theo hướng bền vững tương ứng với tiêu chuẩn bền vững RA (Rainforest Alliance), 4C cho 1.000 hộ nông dân.

Nhờ trồng cà phê bền vững mà nhiều hộ dân đã có điều kiện phát triển kinh tế. Trong niềm vui một năm cà phê vừa được mùa lại được giá, anh Ngụ vui vẻ cho biết: “Nhờ trồng cà phê 4C mà gia đình tôi có nhà cửa khang trang, nuôi 4 người con khôn lớn, trong đó 3 người học đại học”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp Toàn Hằng cùng nông dân nâng cao ngành hàng cà phê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO