Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép khai thác cát tại mỏ cát Quảng Phú 2 cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Quỳnh Mai. Giấy phép này có thời hạn 7 năm, tổng sản lượng cát khai thác 136.000m3.
Đến năm 2019, giấy phép khai thác của DNTN Quỳnh Mai hết hạn. Doanh nghiệp này làm thủ tục gia hạn. Đến tháng 4/2021, UBND tỉnh Đắk Nông cho phép doanh nghiệp này được gia hạn khai thác cát thêm 13 tháng.
Từ khi hết thời gian gia hạn (khoảng tháng 5/2022) đến nay, chính quyền địa phương liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc DNTN Quỳnh Mai vẫn tiếp tục khai thác và bán cát.
Theo UBND xã Quảng Phú, vào cuối tháng 6/2022, qua kiểm tra, xã xác định có 1 xe múc đang hoạt động múc cát cho 2 xe ben tại bãi tập kết của DNTN Quỳnh Mai. Ở dưới sông, xã không ghi nhận việc khai thác cát của doanh nghiệp.
UBND xã Quảng Phú đã lập biên bản và yêu cầu DNTN Quỳnh Mai không được thực hiện khai thác khoáng sản, vì giấy phép đã hết hạn. Đồng thời, UBND xã báo cáo UBND huyện Krông Nô, cơ quan có thẩm quyền di dời máy móc của doanh nghiệp này ra khỏi khu vực khai thác cát để tránh việc khai thác trái phép.
Nhiều máy móc, tài sản và cát còn ở bãi tập kết cát của DNTN Quỳnh Mai |
Ngày 22/11, Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra bãi tập kết cát của mỏ cát Quảng Phú 2. Theo báo cáo của DNTN Quỳnh Mai, tại bãi cát còn tồn khoảng trên 1.200m3 cát.
Đối chiếu với số liệu của cơ quan thuế cung cấp, số lượng cát tồn này đã thực hiện theo đúng nghĩa vụ tài chính. Sở TN-MT yêu cầu DNTN Quỳnh Mai không được thực hiện khai thác tại mỏ cát Quảng Phú 2.
Đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp thực hiện xử lý, giải tỏa khối lượng hơn 1.200m3 cát tại bãi tập kết. Đồng thời, doanh nghiệp phải di chuyển toàn bộ phương tiện khai thác cát (bao gồm tàu hút cát) ra khỏi khu vực mỏ cát Quảng Phú 2.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh cho biết, cuối tháng 12/2022, huyện đã có báo cáo, kiến nghị Sở TN-MT yêu cầu DNTN Quỳnh Mai khẩn trương chấp hành việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.
“Tại mỏ cát hiện vẫn còn nhiều máy móc, tàu bè và cát. Chúng tôi đề nghị Sở TN-MT yêu cầu phải di dời ra khỏi khu vực mỏ để thuận lợi kiểm tra, giám sát”, ông Ánh thông tin.
Theo Sở TN-MT Đắk Nông, trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai.
Hiện DNTN Quỳnh Mai đã lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản tại mỏ cát Quảng Phú 2 nộp về Sở TN-MT. Sở TN-MT đang lấy ý kiến phản biện Hội đồng thẩm định làm cơ sở họp thẩm định đề án đóng cửa mỏ.
Về việc giải quyết cát và tài sản ở bãi, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết sẽ xử lý theo Luật Khoáng sản năm 2010. Cụ thể, theo quy định tại Điều 58 của Luật Khoáng sản, trong thời hạn 6 tháng từ khi giấy phép hết hạn, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác.
"Nếu sau thời hạn này, doanh nghiệp vẫn không di dời, tài sản còn lại (cát, tài sản ở mỏ) sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước", lãnh đạo Sở TN-MT cho hay.