Công ty ông Lê Hoàng là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, 100% vốn nhà nước, tại địa bàn vùng biên giới. Công ty ông còn có nhiệm vụ tổ chức sản xuất kinh doanh; quy hoạch, tổ chức sản xuất, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, điều, để tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, hộ nhận khoán trong vùng dự án.
Trước đây, công ty ông áp dụng hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà cung ứng nguyên vật liệu, vật tư, phân bón cho sản xuất, chế biến cao su. Từ năm 2022, phòng tài chính - kế toán tham mưu việc mua bán nguyên vật liệu cho sản xuất theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ông Hoàng hỏi, công ty ông mua vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thường xuyên có phải bắt buộc thực hiện bằng hình thức đấu thầu trên Hệ thống quốc gia theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC hay không? Việc mua vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thường xuyên của công ty ông có áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh như các năm trước hay không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Luật Đấu thầu (Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) quy định trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Theo đó, việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu nhằm bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định nêu trên mà không bắt buộc phải áp dụng Thông tư số 58/2016/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư số 68/2022/TT-BTC).