Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động tiền số, tiền ảo ở Việt Nam
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025 diễn ra chiều 5/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một cách khẩn trương việc nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tài sản số, tiền số, tiền ảo ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, tài sản số, tiền số, tiền ảo thực sự là vấn đề rất phức tạp và mới không chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia này vẫn đang tiếp tục nghiên kỹ lưỡng và đưa ra những khuôn khổ pháp lý khác nhau để quản lý tài sản ảo, tài sản số minh bạch, hướng tới việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế.
Chính vì thực tiễn đặt ra như vậy nên lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một cách khẩn trương việc nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này ở Việt Nam. Ngay đầu tuần, thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành có liên quan báo cáo về tình hình tiền ảo và định hướng xây dựng các khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam.
Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao ngay trong tháng 3 này sẽ báo cáo với Chính phủ để ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm xây dựng, đưa vào vận hành sàn giao dịch tiền ảo, được tổ chức bởi doanh nghiệp được Nhà nước cho phép. Từ đó, các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư ở Việt Nam có nơi để giao dịch, đầu tư, mua bán. Nhà nước sẽ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên thị trường này.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, phối hợp với các cơ quan, tổ chức sớm xây dựng quy định pháp quy, pháp luật cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức Việt Nam có thể phát hành tài sản này của mình để huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức đó. Qua đó, đóng góp vào phát triển chung đối với nền kinh tế đất nước, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, cũng như bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới về tài sản ảo, tài sản số.
Liên quan đến quản lý đồng tiền số, đồng tiền ảo, tại cuộc làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhấn mạnh: "Không để chậm trễ, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách riêng biệt đối với các hình thái tài chính mới cũng như phương thức giao dịch hiện đại".
Theo các chuyên gia tính toán, VIệt Nam hiện nay nằm trong top đầu về tham gia thị trường thương mại kỹ thuật số nhưng chưa có hành lang pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro.
Việc Nam có hàng triệu người sở hữu tài sản số đông thứ hai thế giới, trong khi giao dịch tiền mã hóa có thể lên tới hàng tỷ USD/năm, nhưng không có hành lang pháp lý rõ ràng.
Điều này dẫn đến các rủi ro như lừa đảo, rửa tiền, thất thu thuế, vốn đầu tư ra nước ngoài thay vì đóng góp vào nền kinh tế chính thống.
Theo quan điểm từ các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp là Việt Nam cần sớm hợp pháp hóa tài sản số để tránh tụt hậu, mất lợi thế so với các nước như Singapore, Thái Lan...
Cần quản lý tiền mã hóa có thể giúp tăng minh bạch tài chính, phòng chống tham nhũng và rửa tiền. Trước hết, Việt Nam cần tiếp cận theo hướng thận trọng, có cơ chế sandbox thử nghiệm giao dịch tiền số nội địa trước khi áp dụng trên diện rộng, chính thức hợp pháp hóa.
Những giải pháp đề xuất là : Áp dụng sandbox để thử nghiệm các mô hình giao dịch tiền mã hóa trong môi trường kiểm soát; thiết lập sàn giao dịch nội địa để hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài; tăng cường bảo mật để giảm thiểu rủi ro hack, gian lận và rửa tiền; hoàn thiện cơ chế thuế, giúp Nhà nước không bị thất thu từ các giao dịch tài sản số.
Doanh nghiệp kỳ vọng xây dựng khung pháp lý
Chia sẻ với báo chí, ông Mai Huy Tuần – Tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI – SSI DIgital (SSID), một đơn vị mạnh trong đầu tư lĩnh vực công nghệ số nhận định: Để đảm bảo an toàn cho người dùng và nhà đầu tư trong giao dịch tiền ảo, các giải pháp bảo mật phải được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp xác thực đa yếu tố và mã hóa dữ liệu là điều cần thiết nhằm bảo vệ thông tin của các sàn giao dịch và ví điện tử. Ví dụ, việc triển khai hệ thống xác thực qua SMS, email, xác thực sinh trắc học giúp giảm thiểu nguy cơ truy cập trái phép. Hơn nữa, các sàn giao dịch cần công bố báo cáo kiểm toán định kỳ, qua đó, nhà đầu tư sẽ nhận được thông tin tin cậy về mô hình hoạt động cũng như quỹ dự phòng rủi ro.
Ngoài ra, nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính – công nghệ của người dùng cũng rất quan trọng. Vì vậy, các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch tuyên truyền cần được tổ chức thường xuyên để mỗi người dùng có thể chủ động nhận diện và phòng tránh các hành vi gian lận. Thêm vào đó, DN cần thường xuyên cập nhật các công nghệ bảo mật tiên tiến để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.

Lãnh đạo SSI DIgital (SSID) thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù các biện pháp bảo mật đã được áp dụng, nhưng rủi ro trong giao dịch tiền ảo vẫn tồn tại do sự phức tạp của công nghệ blockchain và các hình thức giao dịch phi tập trung.
Do đó, việc đầu tư vào các giải pháp bảo mật mới là cần thiết, thì sự giám sát từ phía cơ quan quản lý cũng đóng vai trò then chốt. Theo đó, việc áp dụng các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (KYC/AML/CFT) sẽ giúp sớm phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường.
Vì vậy, ông Mai Huy Tuần cho rằng, để giảm thiểu rủi ro, cần có một hệ thống kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Trước hết, các sàn giao dịch và ví điện tử phải bắt buộc áp dụng xác thực đa yếu tố và mã hóa dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, phải có báo cáo kiểm toán định kỳ được công khai minh bạch, giúp nhà đầu tư đánh giá được tình hình hoạt động và an toàn của hệ thống.
Cuối cùng, DN và người dùng cần được đào tạo thường xuyên về kiến thức tài chính – công nghệ để tự bảo vệ mình trước các hành vi gian lận.
Hơn nữa, lãnh đạo SSI DIgital (SSID) cho rằng: Các chính sách giám sát của cơ quan quản lý phải được tăng cường. Ngoài ra, các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ để thiết lập các tiêu chuẩn an toàn và kiểm soát rủi ro trong giao dịch tiền ảo, nhằm tạo ra một môi trường giao dịch ổn định và tin cậy.