Doanh nghiệp khổ vì chuyển mục đích sử dụng rừng
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hiện đang bộc lộ không ít bất cập do sự bất nhất, chồng chéo các quy định về đất đai.
Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Nông cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Glun (Công ty Đắk Glun), với diện tích trên 148 ha để thực hiện 2 dự án thủy điện ở Tuy Đức.
Trong 2 sổ đỏ đều ghi rõ mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà máy, công trình chính và phụ trợ cho các dự án thủy điện do Công ty làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hiện Công ty này vẫn chưa thể thi công nhiều hạng mục của dự án. Bởi vì có khoảng 25 ha đất nằm trong sổ đỏ đã được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch là đất rừng.
“Đất này của chúng tôi đã được cấp sổ đỏ là đất chuyên dùng và đóng tiền 1 lần. Sau khi biết thông tin “vướng” quy hoạch, Công ty đã làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. Nhưng tới nay, cơ quan chuyên môn chưa chấp thuận, nên nhiều hạng mục của dự án chưa thể triển khai”, đại diện Công ty Đắk Glun cho hay.
Theo rà soát năm 2020 của Sở NN-PTNT Đắk Nông, diện tích bị “vướng” quy hoạch ba loại rừng của Công ty Đắk Glun là 25,23ha.
Hiện trạng là rừng hỗn giao tre nứa, gỗ. Hai dự án thủy điện của Công ty đã được cấp sổ đỏ năm 2011 và triển khai năm 2015. Công ty đã đầu tư kinh phí lớn vào xây dựng 2 dự án.
Do đó, Sở NN-PTNT Đắk Nông đề nghị điều chỉnh diện tích 25,23ha ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Công ty cần thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiếp tục thực hiện dự án.
Điều 14, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nguyên tắc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất. Theo đó, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng được quy định tại Điều 19 của luật này. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất lại phải căn cứ theo Điều 57, Luật Đất đai 2013.
Đối với các dự án đầu tư, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải thể hiện trong dự án. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nói chung, đất rừng nói riêng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức. UBND cấp huyện có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất phải có chủ trương của cấp có thẩm quyền. Quốc hội quyết định với diện tích 1.000ha trở lên. Thủ tướng Chính phủ quyết định với diện tích từ 50ha đến dưới 1.000ha. HĐND cấp tỉnh quyết định với diện tích dưới 50ha.
Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất được thực hiện theo Điều 69, Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ. Thành phần hồ sơ, đơn vị giải quyết được quy định khá cụ thể, chi tiết.
Hướng dẫn có, nhưng để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Đất đai 2013 không phải là dễ. Doanh nghiệp thực hiện dự án đang loay hoay bổ sung hồ sơ. Còn cơ quan chuyên môn cũng thừa nhận có sự bất cập, chồng chéo.
Lãnh đạo Vụ Đất đai, Bộ TN-MT cho rằng, để thực hiện công trình, dự án có diện tích đất rừng cần chuyển mục đích, chủ đầu tư phải thực hiện 2 quy trình độc lập.
Một là trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (do Bộ TN-MT chủ trì theo Luật Đất đai). Hai là trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng (do Bộ NN-PTNT chủ trì theo Luật Lâm nghiệp).
“Pháp luật hiện hành đang có sự chồng chéo, làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thực hiện các dự án có đất rừng cần chuyển. Điều này không chỉ làm tăng chi phí mà còn làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án”, lãnh đạo Vụ Đất đai chia sẻ.