Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông ứng phó khi giá điện tăng

Lê Dung 08/05/2023 05:00

Giá điện tăng đã tác động không nhỏ tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Trước thực tế này, doanh nghiệp Đắk Nông đã chủ động tìm phương án tăng năng suất, tiết kiệm chi phí phát sinh.

img_0172(1).jpg
Giá điện tăng, chi phí sản xuất của Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) dự kiến tăng khoảng 5%

Mỗi ngày, Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) sản xuất khoảng 30 tấn nguyên liệu. 100% công đoạn từ đầu vào tới đầu ra đều phải sử dụng tới máy móc liên quan tới điện áp cao như: rửa, đóng gói, bảo quản hàng hóa, cấp đông… Các thiết bị của nhà máy luôn bảo đảm hoạt động liên tục 24/24h.

Vào những tháng cao điểm, chi phí cho điện sản xuất của Công ty vào khoảng 90 triệu đồng. Theo lãnh đạo Công ty, với giá điện tăng như hiện nay, dự kiến, thời gian tới, chi phí tiền điện sẽ tăng lên khoảng 5%.

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, lường trước khả năng giá điện tăng, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để hạ chi phí cho quá trình sản xuất.

Theo đó, Công ty hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, tổ chức bảo dưỡng máy móc thường xuyên. Nhiều công đoạn sản xuất đã được tối ưu hóa, để giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng cho nhà xưởng.

Đặc biệt, các ca làm được thay phiên nhau; trong đó, ưu tiên người lao động làm ca đêm nhiều hơn. “Nếu chi phí tăng quá cao, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có các phương án tiết giảm chi phí thay thế khác từ máy móc, thiết bị mới", bà Vân chia sẻ thêm.

Tương tự, việc tiết kiệm chi phí điện năng cũng được thực hiện khá tốt tại Công ty TNHH MTV Thương mại - Xuất nhập khẩu Mắcca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa).

img_3325(1).jpg
Điều chỉnh giờ làm giúp Công ty TNHH MTV Thương mại - Xuất nhập khẩu Mắcca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) ứng phó khi giá điện tăng 

Công ty chuyên sản xuất, chế biến các loại hạt, nên máy móc thiết bị sử dụng điện rất nhiều. Nhiều khâu sản xuất của doanh nghiệp đang phải sử dụng điện liên tục như: sấy thăng hoa, sấy mắc ca, cấp đông, kho đông, kho lạnh...

Khi nguyên liệu về là doanh nghiệp triển khai sấy thăng hoa ngay để bảo đảm chất lượng tốt. Việc lựa chọn khung giờ để sản xuất là khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng giá điện khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá lớn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho hay, bà đã chủ động các giải pháp tiết kiệm điện, nhất là bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm.

Những giờ cao điểm, Công ty ưu tiên cho các phần đóng gói bao bì và các phần việc không cần thiết. Việc nghiên cứu, cải tiến dây chuyền sản xuất thường xuyên được quan tâm. Nhờ đó, áp lực cho giá thành sản phẩm trước khi ra thị trường cũng được giảm nhẹ đáng kể.

img_0311(1).jpg
Các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm giảm chi phí cho quá trình sản xuất

Theo Sở Công thương Đắk Nông, việc điện tăng giá ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Để chủ động sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí.

Trong đó, việc đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại là một trong những giải pháp được ngành Công thương khuyến khích các doanh nghiệp.

Công nghệ hiện đại sẽ giúp giảm chi phí, tổn thất điện năng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ngành Công thương cũng đang phối hợp với ngành Điện để tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện an toàn, hiệu quả.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 4/5/2023, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Doanh nghiệp Đắk Nông ứng phó khi giá điện tăng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO