Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông nỗ lực vượt “bão”

Nguyễn Lương 13/10/2023 05:18

Vài năm gần đây, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đắk Nông lâm vào tình cảnh "sức cùng lực kiệt". Vậy nhưng, nhiều đơn vị đã quyết tâm vượt "bão" và phục hồi.

Khó khăn chồng chất

Năm 2021, đại dịch Covid-19 hoành hành. Để phòng chống dịch, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn phải cách ly y tế, phong tỏa... để phòng, chống dịch. Vậy nên nhiều lĩnh vực sản xuất gần như tê liệt. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề là xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gỗ.

chu-tich-muoi-tham-nha-may-kcn-tam-thang_0713(1).jpeg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh (Cư Jút) là một trong những đơn vị đối mặt với hàng loạt khó khăn. Hồi tưởng lại thời gian đó, ông Võ Đăng Vinh, Giám đốc Công ty cho hay, hàng loạt đơn hàng bị ứ đọng vì các đối tác trong nước, nước ngoài ngừng nhận đơn hàng. Doanh nghiệp rất lao đao.

“Nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế vì dịch bệnh. Có những thời điểm, nhà xưởng phải tạm ngưng sản xuất. Một mặt vì không xuất khẩu được, mặt khác, đội ngũ công nhân, lao động bị nhiễm Covid-19”, ông Vinh chia sẻ.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí cũng chịu cảnh tương tự. Khu du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R’lấp) bỏ ra cả trăm tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, hoạt động du lịch của công ty khá ảm đạm. Do tập trung phòng chống dịch nên chẳng ai nghĩ tới việc vui chơi. Muốn đi chăng nữa cũng không được vì không thể tụ tập đông người. Khi đợt dịch bùng phát cao điểm, hoạt động du lịch của công ty đã bị “đóng băng” hoàn toàn.

“Dịch bệnh khiến cho đơn vị phải đóng cửa, hoàn toàn không có nguồn thu từ hoạt động du lịch. Hàng tháng, chi phí về nhân công, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cảnh quan khu du lịch, lãi suất tiền vay… đơn vị vẫn phải “gồng mình” trang trải nên rất khó khăn”, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Phước Sơn chia sẻ.

Sau khi đại dịch Covid -19 được kiềm chế, doanh nghiệp lại phải đối mặt với khó khăn mới. Đó là giá nguyên, vật liệu tăng cao, chi phí sản xuất lớn. Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Kim (Đắk R’lấp) cho rằng, sau dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp còn lâm vào tình cảnh sống dở, chết dở nhiều hơn. Việc xuất khẩu hàng hóa bị chậm lại, giá chi phí vận chuyển đội lên.

hinh-doanh-nghiep-san-xuat(1).jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng gặp vô vàn khó khăn thời kỳ đại dịch và sau đại dịch Covid - 19

“Giá nguyên liệu trên thế giới và Việt Nam tăng cao. Trong khi, đơn hàng giảm so với trước, nhưng giá thành sản phẩm xuất ra không được thay đổi vì đã ký hợp đồng trước. Chưa kể, có những đơn hàng xuất đi nhưng không tìm được container để vận chuyển nên kéo theo rất nhiều thứ”, ông Tân cho hay.

Kiên trì khắc phục

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ cuối 2021, doanh nghiệp trên địa bàn thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là thời gian mà doanh nghiệp tăng tốc phục hồi, bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi xác định phải “sống chung với lũ” nên từng bước tìm cách vượt qua khó khăn. Sống chung với lũ rồi, bạn cũng sẽ tìm ra được quỹ đạo của nó. Từ đó, xác định được hướng đi phù hợp hơn”, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Phước Sơn chia sẻ.

Là doanh nghiệp sản xuất bao bì, Doanh nghiệp tư nhân Tùng Anh (Đắk Song) có tăng trưởng hơn 20% trong năm 2021. Đây là điều mà ít doanh nghiệp làm được trong thời điểm khó khăn. Theo ông Phạm Xuân Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tùng Anh, điều này có được nhờ đơn vị tích cực tìm kiếm khách hàng.

img_1917(1).jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh

“Chúng tôi tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu lớn trong mảng bao bì nông sản, phân bón. Trong đó, xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng khá, nhu cầu cho lĩnh vực này của các đối tác tăng cao. Điều này, giúp cho doanh nghiệp đứng vững trong những năm gần đây”, anh Anh thông tin.

Nói về cách vượt qua khó khăn, ông Võ Đăng Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đổi mới. Ngoài vịệc phải giữ được khách hàng truyền thống, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hiện đại hóa quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, đầu tư công nghệ để lấy đó làm năng lực cạnh tranh. Từ đó mở rộng thêm thị trường.

“Tái đầu tư sản xuất là nhiệm vụ số một mà doanh nghiệp chúng tôi xác định. Đơn vị còn đầu tư thêm một nhà máy mới hiện đại, quy mô và có hệ thống máy móc tiên tiến hơn. Chúng tôi tích cực mở rộng thị trường, số lượng khách hàng, cũng như nâng cao tỷ trọng xuất khẩu sang các nước khu vực”, ông Vinh cho biết.

Đánh giá về sự đóng góp, tầm quan trọng của việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, Giám đốc Sở KH - ĐT Trần Đình Ninh cho rằng, doanh nghiệp là trụ cột để phục hồi kinh tế. Để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt, giúp nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ.

Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hồi phục các khâu sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Những tác động của tình hình thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng, nguyên liệu sản xuất đầu vào… Do vậy, cùng với sự nỗ lực của mình, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương nghiên cứu những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Doanh nghiệp Đắk Nông nỗ lực vượt “bão”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO