Doanh nghiệp Đắk Nông chi 300 tỷ đồng chuẩn bị hàng tết
Các doanh nghiệp Đắk Nông đang tăng cường nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm.
Chủ động nhập hàng
Năm nay, Công ty TNHH MTV Kim Thận, TP. Gia Nghĩa đã dành khoảng 8 tỷ đồng để nhập các mặt hàng cho tết, tăng 20% so với ngày thường và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc công ty Nguyễn Thành An cho hay: “Các mặt hàng chủ lực cung cấp cho thị trường tết của doanh nghiệp bao gồm: bánh, sữa, cà phê, nước ngọt... Chúng tôi đang là nhà phân phối cấp 1 cho các thương hiệu như: Natabi, Trung Nguyên… và đang cung ứng hàng hóa cho hơn 250 cửa hàng trong tỉnh”.
Doanh nghiệp dự báo sức mua trong dịp tết năm nay sẽ lớn hơn năm trước nhờ giá nông sản tăng mạnh. Đến thời điểm hiện tại, giá cả các mặt hàng cho tết vẫn duy trì ở mức bình ổn.
Các mặt hàng tết năm nay có nhiều mẫu mã bắt mắt và được nhập trực tiếp từ các nhà sản xuất uy tín nên luôn bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tại Co.opmart Đắk Nông, năm nay đã bố trí vốn 35 tỷ đồng để dự trữ khoảng 30.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp tết.
Giám đốc Co.opmart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo thông tin, phần lớn nguồn vốn của siêu thị ưu tiên cho dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…
"Cận tết, siêu thị Co.opmart sẽ có nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng đang được đơn vị triển khai”, ông Thảo nói.
Khu phức hợp thương mại và dịch vụ Tất Thắng, huyện Cư Jút cũng chuẩn bị gần 700 triệu đồng để dự mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Còn cửa hàng kinh doanh Phượng Hóa, TP. Gia Nghĩa đã bố trí 7-8 tỷ đồng để dự trữ khoảng 6.000 mặt hàng tiêu dùng.
Trên địa bàn tỉnh còn có 10 điểm tự hào hàng Việt Nam và 4 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa, với tổng nguồn vốn dự trữ vào khoảng 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh cũng đã bố trí 100 tỷ đồng để dự trữ khoảng 6.000 mặt hàng thiết yếu. Các nhà phân phối lớn của tỉnh cũng bố trí khoảng 130 tỷ đồng đã nhập các mặt hàng về phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết.
Kiểm soát chặt thị trường
Đắk Nông hiện có 1 siêu thị Co.opmart ở Gia Nghĩa; 1 trung tâm thương mại ở Đắk R'lấp; 1 khu phức hợp thương mại ở Cư Jút; 46 chợ truyền thống; 10 điểm tự hào hàng Việt Nam và 4 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 20 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh, trên 15.000 cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp thương mại; có 246 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 188 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Với kênh phân phối phủ kín trên địa bàn 71 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố sẽ cung cấp nguồn hàng dồi dào phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết.
Sở Công thương Đắk Nông đang tích cực theo dõi sát cung cầu, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu...
Qua đó, kịp thời tham mưu những giải pháp bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ngành Công thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đắk Nông tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết.
Các đơn vị chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại...
Theo Sở Công thương Đắk Nông, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động phương án và bố trí trên 300 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết.