Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Mil chăm lo lao động dân tộc thiểu số

PV 14/03/2025 09:57

Theo UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông), hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong huyện đã thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương.

“Ngôi sao” HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, thành lập năm 2012 tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý trong sản xuất cà phê sạch, bền vững và hoạt động xã hội.

dt1.jpg
Nguyên liệu chế biến Cà phê bột Đắk Đam của HTX Công Bằng Thuận An được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt các chứng nhận quốc tế, chất lượng cao

Để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Thuận An đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade). Trong đó, sản phẩm chủ lực của HTX Thuận An hướng đến sản xuất bền vững nhằm đưa ra các sản phẩm cà phê chế lượng cao đáp ứng các yêu cầu cao cấp của thị trường châu Âu, châu Mỹ và đủ sức cạnh tranh với ngành hàng cà phê chất lượng cao của thế giới thông qua việc được cấp chứng chỉ thương mại công bằng. Hiện HTX có 460 ha được chứng nhận Fairtrade.

Ban Giám đốc HTX Thuận An cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade. Đồng thời, HTX còn khuyến khích xã viên thu hoạch cà phê chín thông qua chính sách cộng 1.000 đồng/kg, khi cà phê tươi bán cho HTX có độ chín đạt từ 85% trở lên. Đối với sản phẩm đã qua chế biến ướt được HTX Thuận An thu mua cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều xã viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.

Hàng năm, HTX Thuận An hỗ trợ phân bón vi sinh không hoàn lại cho bà con thành viên để cải tạo vườn cây, giảm bón phân vô cơ. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con thành viên. Bên cạnh đó tổ chức cho thành viên đi tham quan, học hỏi, các địa phương có mô hình làm ăn có hiệu quả.

Được sự đào tạo cũng như hướng dẫn, thời gian qua, các thành viên trong HTX Thuận An đã thực hiện các biện pháp như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tự động, bán tự động để tưới nước cho cây cà phê; quả cà phê được thu hái khi chín trên 85%; sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến chế biến sau thu hoạch; môi trường sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng… Cà phê sau thu hoạch còn được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà H’Plơ, bon Sar Pa, xã Thuận An, thành viên của HTX Công Bằng Thuận An chia sẻ: “Tham gia vào thành viên của HTX, gia đình bà được hỗ trợ rất nhiều. Đặc biệt, khi vườn cà phê đã già cỗi, HTX đã hỗ trợ bà đưa giống cà phê dây vào tái canh. Vườn cà phê sau khi tái canh đều cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các giống cũ như hái nhanh, lợi công, năng suất tăng... Vụ cà phê vụ vừa rồi, trúng mùa vừa được giá, gia đình phấn khởi lắm. Gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo, tái canh cà phê già cỗi trong vườn".

cfdasan(1).jpg
Bà H’Plơ, bon Sar Pa, xã Thuận An, thành viên của HTX Công Bằng Thuận An thu hoạch cà phê với tỷ lệ chín cao

Với sự giúp đỡ của HTX Thuận An, các thành viên và các hộ liên kết đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường. Đến nay, HTX đã phát triển lên 114 xã viên, 23 hộ đồng bào DTTS thành viên liên kết chuyên sản xuất cà phê chất lượng cao như cà phê bột mang thương hiệu cà phê Đắk Đam, được xếp hạng sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao.

Với những nỗ lực và đóng góp đó, HTX Công Bằng Thuận An đã nhận được nhiều giải thưởng và công nhận. Năm 2024, HTX được Liên minh HTX Việt Nam trao giải “Ngôi sao hợp tác xã 2024”. Trong hơn 12 năm hoạt động, HTX đã 5 lần được trao tặng Cờ thi đua, bao gồm Cờ thi đua của UBND tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Chính phủ và Liên minh HTX Việt Nam. Những thành tựu và đóng góp của HTX Công Bằng Thuận An không chỉ nâng cao đời sống của các thành viên mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điểm sáng giao nhận khoán ở Công ty Cà phê Đức Lập

Công ty Cà phê Đức Lập, xã Đắk Lao là doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chủ yếu sản xuất, chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê, ca cao. Công ty có tổng số lao động là 323 người, tổng diện tích giao khoán hơn 495ha. Trong đó, có 7 lao động nhận khoán là người DTTS, nhận khoán khoảng 10ha cà phê.

z6423566881306_8d94dc9ae8e9f94a2fce12cc40be98d0(1).jpg
Nhân viên Công ty Cà phê Đức Lập thường xuyên hướng dẫn, động viên người lao động chăm sóc tốt vườn cà phê (Ảnh tư liệu)

Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Công ty Cà phê Đức Lập luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người lao động. Công ty luôn chi trả lương hàng tháng đầy đủ, kịp thời cho công nhân. Hàng năm, công ty trang cấp đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho công nhân và lao động nhận khoán. Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiến thức pháp luật lao động cho công nhân, lao động.

Từ khi thành lập đến nay, Công ty Cà phê Đức Lập luôn “đồng cam, cộng khổ”, đồng hành cùng các công nhân, người lao động vượt qua khó khăn. Tính riêng từ năm 2015 đến nay, công ty hỗ trợ 4 công nhân có hoàn cảnh khó khăn xây dựng 4 căn nhà với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Tất cả công nhân, lao động khi gặp khó khăn đều được công ty kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất. Hàng năm, công ty đều tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người thân mắc bệnh hiểm nghèo.

d-lap(1).jpg
Hộ bà Hoàng Thị Hoa, dân tộc Tày, xã Đắk Lao (Đắk Mil) sử dụng hệ thống tưới béc tưới cà phê nhận khoán của Công ty Cà phê Đức Lập

Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện tốt các chính sách dành cho người lao động như: Chi trả lương đầy đủ, đúng hạn cho công nhân và lao động nhận khoán; cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động hằng năm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đào tạo kỹ thuật và an toàn lao động... Các hộ dân nhận khoán chăm sóc vườn cây của công ty đều có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá.

dlap(1).jpg
Các hộ dân nhận khoán vườn cà phê Công ty Cà phê Đức Lập chăm sóc tốt, năng suất cao

Ông Phạm Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Cà phê Đức Lập cho biết, hiện tại công ty đã hoàn thiện Đề án chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên theo Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16/07/2024 của Chính phủ và hoạt động theo quy định tại Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mô hình nào, công ty sẽ tiếp tục chú trọng tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, nhất là mở rộng diện tích cà phê giao khoán và công nhân lao động là người đồng bào DTTS.

Phát triển cà phê đặc sản tại Công ty Cổ phần cà phê Thuận An

Công ty Cổ phần cà phê Thuận An được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An vào tháng 7/2019. Thời gian qua, hoạt động của đơn vị luôn gắn bó, đồng hành với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh chính trị tại huyện biên giới Đắk Nông.

cf-day-ta(1).jpg
Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An đang thực hiện tái canh vườn cà phê bằng giống cà phê dây

Sở hữu gần 130 ha diện tích cà phê, Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An đang hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu “Cà phê đặc sản Thuận An” nhằm góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước và thế giới. Với mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong phát triển cà phê đặc sản tại Đắk Nông, công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Năm 2023, công ty đã đưa vào sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm 30% lượng thuốc và 90-95% lượng nước sử dụng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, công ty còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt NETAFIM-ISRAEL, giúp tiết kiệm nước, tăng năng suất và bảo vệ đất trồng.

dsc_19199(1).jpg
Trần H Nhã Trâm, bon Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil vui mừng khi giống cà phê dây đạt năng suất cao do Công ty Cà phê Thuận An hỗ trợ tái canh

Về chính sách lao động, công ty luôn quan tâm đến đời sống của công nhân, đặc biệt là lao động DTTS. Đến nay, công ty đã ký hợp đồng lao động chính thức cho 44 lao động đồng bào DTTS tại chỗ; giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 100 – 150 lao động, nhất là lao động đồng bào DTTS tại chỗ của 2 bon Sar Pa, Bu Đắk xã Thuận An, với mức thu nhập bình quân 350.000 đồng/người/ngày. Các khoản phúc lợi, chế độ bảo hiểm cho người lao động… cũng được thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm.

dsc_3225(1).jpg
Nhân viên Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An hướng dẫn đồng bào chăm sóc cây cà phê (Ảnh tư liệu)

Anh Y Bun, bon Sar Pa, xã Thuận An cho biết, anh được công ty nhận vào làm công nhân với mức lương bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, được đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Y Bun rất phấn khởi khi không chỉ có công việc, thu nhập ổn định mà sau này lớn tuổi, nghỉ hưu vẫn có một khoản lương hưu để an dưỡng tuổi già.

Hàng năm, công ty còn dành ngân sách hơn 1 tỷ đồng để chăm lo đời sống cho người lao động, bao gồm thưởng tết; hỗ trợ công nhân khó khăn, quà tết cho người nghèo; đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện lưới. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực tham gia các chương trình từ thiện, hỗ trợ học sinh DTTS với hàng trăm bộ sách giáo khoa, vở viết, quà tết và đóng góp vào quỹ khuyến học địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil chia sẻ, các doanh nghiệp tại địa phương không chỉ tập trung vào phát triển sản xuất mà còn đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, nhất là lao động DTTS. Những chính sách thiết thực như hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chăm lo phúc lợi xã hội đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những mô hình thành công từ HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, Công ty Cà phê Đức Lập và Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An là minh chứng cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là hướng đi cần được nhân rộng, góp phần xây dựng Đắk Mil phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Doanh nghiệp Đắk Mil chăm lo lao động dân tộc thiểu số
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO