Đoàn thanh niên các địa phương số hóa hàng loạt "địa chỉ đỏ"
Với tinh thần tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số, đoàn thanh niên nhiều tỉnh thành đã tích cực thực hiện số hóa các "địa chỉ đỏ." Tuy nhiên, việc số hóa cũng gặp khó khăn về công nghệ và tài chính.
Để giúp người dân có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận và tìm hiểu những di tích lịch sử cách mạng đồng thời hưởng ứng chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số” của Tháng Thanh niên năm 2023, thời gian qua, đoàn thanh niên các địa phương đã thực hiện số hóa hàng loạt "địa chỉ đỏ."
Gắn mã QR cho di tích
Là nơi phát động phong trào chuyển đổi số trong thanh niên, chị Trần Thị Hòa Xuân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận cho hay địa phương này vừa khánh thành công trình số hóa ba "địa chỉ đỏ" trên địa bàn tỉnh gồm khu di tích căn cứ tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, đài tưởng niệm khu di tích chi bộ Tam Tân, Tượng đài chiến thắng tại thành phố Phan Thiết. Chỉ cần click vào đường link hoặc quét mã QR, khách tham quan sẽ được ghé thăm các "địa chỉ đỏ" nổi tiếng của Bình Thuận với ảnh 360 độ sắc nét, nghe thuyết minh thông tin và chỉ dẫn về khu di tích tương ứng.
“Ngay khi khánh thành dự án, chúng tôi đã nhận được những hiệu ứng tích cực từ người dân. Sắp tới, tỉnh đoàn Bình Thuận dự kiến sẽ nhân rộng thêm mô hình này với các di tích và địa danh khác trên địa bàn tỉnh,” chị Hòa vui vẻ cho biết.
Cũng theo chị Hòa, việc số hóa các "địa chỉ đỏ" có nhiều thuận lợi khi chương trình được đoàn thanh niên các cấp huyện, xã hưởng ứng nhiệt tình cũng như sự hỗ trợ tư liệu tích cực từ các cơ quan liên quan như sở thông tin truyền thông, sở văn hóa… Ngoài ba khu vực trên được số hóa ở mức cao với công nghệ hiện đại, 100% khu di tích, địa chỉ đỏ ở Bình Thuận cũng đã được gắn mã QR.
Tại Hà Tĩnh, việc số hóa các "địa chỉ đỏ" cũng được đoàn thanh niên các cấp tích cực triển khai. Chị Phạm Thị Tú, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, khoảng 150 "địa chỉ đỏ" trên địa bàn tỉnh đã được gắn mã QR, trong đó một số nơi như Ngã ba Đồng Lộc và khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng được làm công phu, ngoài thông tin giới thiệu di tích còn có cả video và hình ảnh.
Tại Nghệ An, các đơn vị đoàn cấp huyện đã đăng ký đảm nhận và triển khai hơn 60 công trình số hóa di tích lịch sử văn hóa, địa danh và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Các dữ liệu này được tập hợp về tỉnh đoàn để thiết kế bản đồ số hóa "địa chỉ đỏ" cấp tỉnh. Mô hình được tích hợp bằng các điểm mã QR truyền tải thông tin thông qua tư liệu lịch sử, hình ảnh trực quan, infographics, video clip liên quan hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo, triển lãm 3D… để tăng tính trải nghiệm, thúc đẩy công tác giáo dục về lịch sử, truyền thống, văn hóa tại tại các địa phương.
“Mục tiêu đặt ra của chúng tôi là đến cuối năm nay sẽ thực hiện giới thiệu song ngữ Anh-Việt ở tất cả các 'địa chỉ đỏ',” chị Nguyễn Thị Quỳnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nghệ An chia sẻ.
Rào cản công nghệ và tài chính
Dù đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên, đoàn thanh niên các địa phương đều cho biết đây mới chỉ là những kết quả bước đầu và còn ở mức giản đơn. Tuy nhiên, để nâng cấp việc số hóa các "địa chỉ đỏ" lại gặp rào cản lớn về công nghệ và đặc biệt là tài chính.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh cho hay dù tất cả các "địa chỉ đỏ" trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mã QR nhưng thông tin dữ liệu mới ở mức cơ bản như bao gồm địa chỉ, đường đi, một số nơi có thêm thông tin về nơi ăn nghỉ. Số điểm tích hợp được cả video, hình ảnh… không nhiều.
“Chúng tôi rất mong muốn có thể gắn những ứng dụng cao hơn, như khi quét mã QR, khách tham quan sẽ được nghe thuyết minh, thậm chí có thể tham quan qua thực tế ảo 3D,” chị Quỳnh chia sẻ.
Theo chị Quỳnh, khi đó, ngay cả những người không có điều kiện đến tận nơi nhưng vẫn có thể ghé thăm các điểm di tích, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Nghệ An qua mạng. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa với các hoạt động giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương cho các học sinh trên địa bàn tỉnh.
“Tuy nhiên, để triển khai được cần công nghệ hiện đại và cần nguồn tài chính lớn. Công nghệ, kỹ thuật chúng tôi có thể nhờ hỗ trợ nhưng kinh phí là bài toán khó khi lên đến hàng tỷ đồng. Vì thế, tỉnh đoàn chỉ đặt mục tiêu cao nhất là giới thiệu song ngữ cho tất cả các 'địa chỉ đỏ',” chị Quỳnh nói.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, công nghệ trong số hóa các "địa chỉ đỏ" vẫn còn hạn chế, gắn mã QR nhưng chưa tích hợp được nhiều tính năng mà chỉ có thông tin cơ bản. Theo chị Phạm Thị Tú, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, tỉnh đoàn cũng mong muốn sẽ tích hợp được nhiều tính năng hơn trong các mã QR, nhưng hạn chế về tài chính. “Chúng tôi đang phải vận động xã hội hóa,” chị Tú chia sẻ.
Mới khai trương số hóa ba "địa chỉ đỏ" với công nghệ cao nhưng đại diện Tỉnh đoàn Bình Thuận cho hay nguồn kinh phí là do Ban Tuyên giáo Trung ương đoàn tài trợ với mức đầu tư hơn 700 triệu đồng (bao gồm cả tiền hỗ trợ lập website cho tỉnh đoàn).
“Sắp tới, để nhân rộng mô hình ra các 'địa chỉ đỏ' khác, chúng tôi sẽ phải tích cực học hỏi về kỹ thuật và giải bài toán kinh phí bằng hình thức xã hội hóa, liên kết với các đơn vị truyền thông hỗ trợ thêm,” chị Trần Thị Hòa Xuân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận nói.