Đoàn kết - Giá trị cốt lõi của thành công
Đắk Nông luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận xã hội.
Đắk Nông luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận xã hội.
Trong đó, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân.
Thời gian tới, mặt trận các cấp tiếp tục tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ các cấp tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau". MTTQ các cấp tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hành dân chủ, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp mặt trận đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh...
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến tích cực trong hành động của các tầng lớp Nhân dân, nhân sĩ, trí thức, đoàn viên, hội viên, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đi vào đời sống.
Các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Các giai tầng trong xã hội ngày càng phát huy truyền thống dân tộc, cộng đồng trách nhiệm, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ những kết quả đó, để khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc, thời gian tới, hệ thống dân vận, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân thấy được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của từng chương trình, kế hoạch, dự án, đề án… mà Đảng và Nhà nước đang triển khai, sắp triển khai.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham mưu cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong tuyên truyền, vận động quần chúng. Phương pháp, cách thức tổ chức vận động Nhân dân cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, đối tượng, thực tế, phát huy sự chủ động, tinh thần, trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để Nhân dân noi theo.
Qua nhiều năm làm công tác Mặt trận, tôi nhận thấy, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đóng một vai trò quan trọng. Việc tuyên truyền được thực hiện mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức, nội dung phù hợp. Đặc biệt, để tinh thần đoàn kết được phát huy, hàng năm, dù khó khăn, bận rộn, các khu dân cư đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để người dân trong thôn, bon giao lưu, gặp gỡ, nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, hạn chế trong năm qua để khắc phục.
Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn là phương châm để Đảng ta tiến hành thành công nhiều công cuộc cách mạng từ đấu tranh giành độc lập dân tộc cho đến xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, để đoàn kết được Nhân dân, trước hết cần tuyên truyền, vận động, nắm chắc tình hình Nhân dân; kịp thời phối hợp xử lý dứt điểm những vụ việc mâu thuẫn dù nhỏ nhất để không phát triển thành lớn.
Các cấp, ngành phải tin dân, lắng nghe dân để xây dựng Đảng, chính quyền, phải để dân tin tuyệt đối vào Đảng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch, một lòng một dạ theo Đảng.
Các cấp MTTQ và các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước. Đây là tiền đề bên trong để mỗi người dân hình thành nhu cầu tham gia vào việc xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Quảng Trực luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên. Tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc không ngừng được củng cố, vun đắp. Bà con vùng biên luôn chung sức, đồng lòng góp phần xây dựng xã Quảng Trực ngày càng phát triển.
Để khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững bền, theo tôi các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, trao đổi, đối thoại, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Từ đó, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận trong xã hội.
Mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cần phải xuất phát từ dân, lấy dân làm gốc; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của địa phương.
Tổ dân phố 2, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) hiện có trên 80% là đồng bào công giáo. Thời gian qua, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo, lương giáo và các tôn giáo khác luôn sống thuận hòa, đoàn kết, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành, địa phương phát động. Đặc biệt, người dân trong tổ luôn phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Bộ máy tổ chức của tổ đều có đảng viên là người công giáo tham gia.
Tôi cho rằng, những kết quả này xuất phát từ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và chính người dân. Để tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng phát huy thì các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội, các chức sắc, giáo xứ, giáo họ cần tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc... Đồng thời, chính quyền các cấp tạo điều kiện để mỗi người công giáo phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển của địa phương trên tinh thần người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.
Nội dung, ảnh: P.V
Trình bày: N.H