Thống nhất cao về ban hành cơ chế đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột
Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam và tiểu khu vực. So với các thành phố lớn, Buôn Ma Thuột hiện vẫn là một thành phố khó khăn. Nếu nói tầm tương xứng với trung tâm vùng, thì còn rất nhiều hạn chế.
Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận tại tổ |
“Trước đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67 và lần này Quốc hội xem xét để thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột. Đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng của Tây Nguyên, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế, vị trí địa chiến lược của Tây Nguyên và cả nước.
“Sau khi nghiên cứu các cơ chế cho TP. Buôn Ma Thuột, tôi thấy về cơ chế nó chưa đủ lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu với điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Lắk. Với một cơ chế thế này thì chưa đủ mạnh để làm thay đổi TP. Buôn Ma Thuột trong tương lai gần. Vì vậy, cần có một cơ chế mạnh hơn. Ví dụ, quy định cho TP. Buôn Ma Thuột được vay dư nợ không quá 40% thu ngân sách của tỉnh hưởng phân cấp. Trong khi đó, các tỉnh khác hưởng các cơ chế đặc thù trước đó lại là 60%. Thứ hai, quy định tỉnh Đắk Lắk được phân bổ 45% theo tỷ lệ % định mức chi thường xuyên, theo định mức dân số TP. Buôn Ma Thuột theo nguyên tắc tiêu chí dự toán năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Cái này cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng”- đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Một vấn đề khác, TP. Buôn Ma Thuột chỉ ở cấp quận, huyện, vì vậy, cần có cơ chế cho cả tỉnh Đắk Lắk mới đủ mạnh để trở thành một trung tâm vùng dẫn dắt các tỉnh trong vùng và kết nối vùng. Vì vậy, trước mắt, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao khi Quốc hội thông qua nghị quyết đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột. Nhưng trong tương lai gần, đề nghị Trung ương xem xét, có một cơ chế toàn diện về đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk.
Cũng liên quan đến dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: “Ở đây, Chính phủ trình các nội dung thí điểm, nó khác với các quy định hiện hành, về cơ bản, đại biểu đồng ý với chủ trương này”. Tuy nhiên, vào các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, hiện nay, theo quy định của dự thảo Nghị quyết có nêu ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, trong khi hiện ở Buôn Ma Thuột là 17%. Ở chỗ này, chúng ta nên cân nhắc kỹ. Vì hiện nay, Việt Nam đang theo các hiệp định của các nước OECT. Hiệp định này quy định, nếu trong trường hợp các nước đánh thuế dưới 15% thì nước có doanh nghiệp đang hoạt động có quyền thu thuế theo ngành dọc. Ví dụ doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ở Singapore mà đầu tư vào TP. Buôn Ma Thuột. Nếu chúng ta áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thì về nước sở tại họ thu thuế 25%. Vì vậy, nếu ta áp dụng 10% này cũng không có tác dụng mấy cho doanh nghiệp mà có khi còn gây thất thoát nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Góp ý về dự thảo nghị quyết này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng chính sách ưu đãi đối với các nhà nghiên cứu, chuyên gia đặc biệt thì trong dự thảo nghị quyết chưa bao hàm hết đối tượng để ưu đãi nên cần mở rộng thêm đối tượng. Mặt khác, dự thảo Nghị quyết cũng nên đưa vào nội dung về chính sách thu hút đối với chuyên gia, nhà khoa học về TP. Buôn Ma Thuột.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột |
Nhiều ý kiến khác nhau về đấu giá biển số xe ô tô
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm về cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao về sự cần thiết như trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa cơ chế của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân có điều kiện.
Đại biểu Dương Khắc Mai tán thành về tên gọi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển xe ô tô. Về những nội dung của dự thảo nghị quyết, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá chỉ chọn một loại biển trắng, chữ đen. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng nên mở rộng thêm đối với ô tô thì chọn thêm biển số chữ đen, nền vàng.
Về giá khởi điểm, theo đề xuất tại dự thảo thì có 2 loại, một là 20 triệu, hai là 40 triệu. Như vậy, căn cứ nào để đưa ra các mức giá khởi điểm này trong dự thảo cần phải làm rõ. Về tiền đặt trước quy định bằng giá khởi điểm, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất. Tuy nhiên, cần có một chế tài, nếu sau đấu giá thành công, người đấu giá không nhận biển số xe, đương nhiên số tiền đặt trước không được nhận lại mà đưa vào ngân sách và phải chịu một chế tài nào đó về hành chính để tránh tình trạng làm mất ổn định thị trường đấu giá.
Đối với nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu thống nhất với quy định hạn chế một số quyền của người đấu giá.
Góp ý về tên gọi dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng: Thứ nhất, ở đây, Chính phủ trình là đấu giá đăng ký biển số xe ô tô. Nhưng thực chất phải gọi là đấu giá số đăng ký xe ô tô. Bởi vì theo luật quản lý tài sản công, thì bản chất đây là kho số, nó giống như số điện thoại. Khi người trúng đấu giá, nhà nước cấp cho giấy xác nhận trúng số đăng ký đó. Còn khi người có xe ô tô kèm theo giấy xác nhận đó thì được cấp biển số, đó là vấn đề quản lý nhà nước, còn sở hữu là số đăng ký xe ô tô chứ không phải là sở hữu cái biển số. Vì bản thân cái biển khi mất đi, người ta vẫn có quyền xin cấp lại. Vì vậy, tiêu đề cũng phải đi vào thực chất chứ không phải ở câu chữ. Trong vòng 1 năm khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải tiến hành đăng ký cho chính xe của mình, nếu không thì phải thu hồi số đăng ký đó, chứ không phải thu hồi cái biển số, vì lúc này chưa có biển số mà chỉ mới là giấy xác nhận số đăng ký.
Trong dự thảo Nghị quyết này cần đưa vào nội dung phải nộp phí ra biển số. Còn khi trúng đấu giá, ngoài số tiền nộp theo mức giá đã đấu còn phải nộp thêm tiền thuế VAT là theo khu vực quy định.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang tham gia thảo luận tại tổ |
Về quy định đưa biển nền trắng chữ đen vào đối tượng đấu giá như dự thảo, mà không có biển vàng: theo đại biểu Giang, thực ra hiện nay biển vàng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số xe đăng ký. Trong 10% này, có tới 90% các xe đăng ký biển vàng là mua xe trả góp nên tỷ lệ biển này tham gia đấu giá là rất ít. Vì vậy, trong Nghị quyết thí điểm không đưa biển vàng, chữ đen vào đối tượng đấu giá là hợp lý.
Về giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng chỉ là cách tính tương đối. Tuy nhiên, nên lấy một mức giá, bởi đây là một cuộc chơi, ai có nhu cầu thì tham gia. Vì vậy chỉ nên quy định một mức giá khởi điểm, có thể là 40 hoặc 50 triệu.
Liên quan đến quyền của người trúng đấu giá, ở đây, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, còn thiếu một số điểm nên đưa vào như: khi chủ sở hữu gắn biển cụ thể vào xe của họ. Trong trường hợp xe đó bị mất, thì có được cấp lại biển số hay không. Thứ hai, xe bị hỏng không thể sửa chữa được, thì có được cấp lại hay không. Trong nghị quyết có nêu, trong khoảng thời gian 12 tháng, người trúng đấu giá chưa đăng ký vào xe cụ thể mà bị chết thì nhà nước sẽ thu hồi lại biển này và trả lại tiền cho người đó. Theo đại biểu Giang thì không nên quy định như vậy mà trong trường hợp này nên cho phép để lại thừa kế.