1. Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 3/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Luật Đất đai có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, mỗi cán bộ, người dân. Vì thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật hết sức quan trọng, cần phải được nghiên cứu, xây dựng toàn diện, sâu sát. Đây cũng là dự án luật có liên quan đến hàng loạt luật khác nên cần tính đồng bộ, nhất quán cao.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải thể hiện được quyết tâm không để “biến dạng” diện tích đất trồng lúa của cả nước |
Về cơ bản, đại biểu Dương Khắc Mai, thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với một số quy định còn vướng mắc.
Cụ thể, theo dự thảo Luật, tại Chương VI quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất; Chương VII quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chương VIII quy định về phát triển quỹ đất; Chương IX quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Chương X quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Việc sắp xếp thứ tự các chương như hiện nay là chưa logic, chưa khoa học. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định về “Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” tại Chương X lên trước Chương VI để đảm bảo tính logic (công nhận quyền sử dụng đất - giao đất cho thuê đất - trưng dụng, thu hồi...).
Tại Điều 4, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về “Áp dụng pháp luật” quy định: “Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.” là chưa phù hợp với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần rà soát quy định lại cho phù hợp, thống nhất.
Tại khoản 5, Điều 68 dự thảo Luật đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này. Vì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Đồng thời, đối với địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định nêu trên.
Tại khoản 3, Điều 127 dự thảo Luật quy định: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp: “Người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”. Tuy nhiên, Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên...”. Như vậy, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, nhưng thu tiền thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên; không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân; do đó, không thống nhất, đồng bộ theo quy định tại khoản 5, Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 (nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng; thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất).
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị đơn vị soạn thảo bỏ cụm từ “không thuộc trường hợp lấn, chiếm đất” tại điểm a khoản 2, Điều 147 dự thảo Luật Đất đai để thống nhất với Điều 35 của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn cấp GCN QSD đất với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có trường hợp lấn, chiếm đất “Điều 35. Công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014”.
Tại Điều 50 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo làm rõ khái niệm “quyết định quản lý đối với đất đai, tài sản” để có cơ sở áp dụng cho thống nhất.
Thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung tại dự thảo Luật này, Đại biểu Dương Khắc Mai tiếp tục đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cần có quy định về hạn mức chuyển đổi theo hướng phải duy trì được diện tích đất trồng lúa hơn 3 triệu ha theo quy định của Quốc hội. Tức là phải quyết tâm không để “biến dạng” diện tích đất trồng lúa của cả nước. Nếu dự thảo Luật không quy định chặt chẽ vấn đề này, sẽ đe dọa đến an ninh lương thực.
2. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Chiều 3/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nêu câu hỏi: “Kính thưa Quốc hội, tôi xin chuyển đến Bộ trưởng một nội dung. Thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch Nhà nước về phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới, quan trọng. Tuy nhiên, các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước vẫn còn những diễn biến phức tạp. Nhiều nơi, chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện, hay còn gọi là quy hoạch treo, và không ít nơi “treo bền vững”, gây lãng phó nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển chung, gây bức xúc trong dư luận. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp của Bộ Xây dựng và cá nhân Bộ trưởng trong việc giải quyết căn cơ vấn đề này”.
Ông Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời “Phải nói là quy hoạch treo là quy hoạch chưa xác định được nguồn lực để thực hiện nên chưa có cơ chế để triển khai đầu tư nên diễn ra tình trạng treo. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch cũng dẫn đến khả năng thực hiện quy hoạch khả thi không cao. Quy hoạch treo, được phản ánh tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp, cuộc sống của người dân, giảm đi hiệu quả chất lượng sống đo thị cũng như là lãng phí tài nguyên, gây bức xúc xã hội.
Liên quan đến việc này, nguyên nhân trước hết là do quy hoạch chúng ta chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tầm nhìn, dự báo chưa chính xác, không làm đồng bộ các quy hoạch liên quan hoặc chưa xác định đủ các yêu tố, nhất là nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư về hạ tầng, nhà ở cũng như là nguồn lực trong giải phóng mặt bằng.
Việc tổ chức quản lý quy hoạch cũng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Một số địa phương mở rộng đô thị nhưng chưa tính toán được chính xác yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện được quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. Có phần của năng lực đầu tư không đảm bảo khi triển khai các dự án theo quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn Đoàn ĐBQH Đắk Nông |
Trách nhiệm của Bộ xây dựng là chưa kiểm tra, đôn đốc, thanh tra, xử lý và cũng chưa kịp thời hoàn thiện hệ thống quy hoạch để quản lý chặt chẽ hơn quy trình, chất lượng của quy hoạch có tầm nhìn và khả thi.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật, bổ sung các quy định để tăng cường quản lý dân cư, nhà đầu tư trong việc lấy ý kiến đồ án quy hoạch cũng như thẩm định dự án đầu tư về khả năng vốn, năng lực quản lý cũng như năng lực của các cơ quan lập quy hoạch”.