Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý về các dự án luật, dự thảo nghị quyết

Đ.D (t.h)| 24/10/2022 20:45

Tham gia thảo luận tại tổ về các dự thảo nghị quyết, dự án luật diễn ra vào chiều 24/10, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đã có nhiều ý kiến góp ý sát thực, góp phần vào công tác xây dựng luật, các nghị quyết của Quốc hội.

1. Góp ý về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, việc ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Mặt khác, để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, qua  đối chiếu với các văn bản có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước... nhận thấy có nhiều nội dung trong Nội quy này quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản nêu trên. Vì vậy, kiến nghị chung của Đoàn là rà soát lại, bỏ những nội dung này trong Nội quy, nếu có chỉ quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị không nên dẫn chiếu lại nội quy kỳ họp, nếu có chỉ nên hướng dẫn chi tiết, cụ thể để trong quá trình thực hiện cho đầy đủ, rõ ràng.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận tại tổ

Về tài liệu phục vụ kỳ họp, theo quy định trong Nội quy hiện hành thì các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; các tài liệu khác phải được gửi đến ĐBQH chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này còn chưa được thực hiện nghiêm túc, còn rất nhiều nội dung đến sát ngày họp mới gửi đến ĐBQH. Vì vậy, đại biểu không có thời gian nghiên cứu. Trong dự thảo lần này không có quy định về thời gian gửi các loại tài liệu này cho ĐBQH. Do đó, cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến ĐBQH đúng thời hạn, có như vậy mới giúp đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu để đóng góp hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo. Trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp; hạn chế tối đa việc xem xét, cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Về Chương trình kỳ họp Quốc hội: theo Khoản 2, Điều 6 dự thảo Nội quy “Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi xin ý kiến ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường”. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, chỉ nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội dựa trên tình hình thực tế, trao đổi, thống nhất với các cơ quan, tổ chức hữu quan dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị.

Cũng góp ý về Dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng đối với nội quy kỳ họp, tài liệu đóng dấu mật nhưng không tách số liệu nào là mật ra một tài liệu riêng. Vì thế, nếu phát biểu, thảo luận, đại biểu không biết sử dụng được những số liệu nào, phát biểu cái gì. Trong khi đó, nội quy, quy định cấm ĐBQH tiết lộ bí mật Nhà nước. Vì vậy, đối với phần dữ liệu, số liệu mật cần tách riêng ra, ví dụ các số liệu thi hành án hình sự; số liệu liên quan đến quốc phòng an ninh...

Liên quan đến phát thanh truyền hình trực tiếp (Điều 9), đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bổ sung thêm phiên giám sát tối cao vào phát thanh truyền hình trực tiếp.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị bổ sung thêm phiên giám sát tối cao vào phát thanh truyền hình trực tiếp

Về phiên họp của các ủy ban, trong nội quy kỳ họp của Dự thảo nghị quyết có nêu “các đại biểu không phải là thành viên ủy ban có quyền tham dự phiên họp của hội đồng ủy ban trong kỳ họp”. Đại biểu cho rằng quy định này chưa ổn, cần quy định cụ thể để bảo đảm quy mô, số lượng thành viên ở mỗi lần họp.

Liên quan đến tiêu đề kỳ họp bất thường, đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, kỳ họp bất thường chỉ phù hợp đối với thời điểm, điều kiện cực kỳ đặc biệt. Vì vậy, nên xem xét thay đổi cụm từ này để phù hợp hơn.

2. Góp ý Dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhất trí về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết này nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đề cao trách nhiệm xử lý cán bộ công chức, viên chức vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, để thể chế hóa các chủ trương cuả Đảng, cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; Quy định số 69 của Bộ Chính trị; Điều 80 của Luật công chức và Điều 53 của Luật Viên chức, so với các quy định kỷ luật về Đảng đang có sự chênh nhau. Để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ; bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ khi thực hiện việc kỷ luật cán bộ công chức, đại biểu Dương Khắc Mai nhất trí cao với đề nghị của Chính phủ. Đó là, về đối tượng phải thi hành vi phạm kỷ luật trong phạm vi hành chính, thời hiệu là 5 năm đối với khiển trách và 10 năm đối với cảnh cáo để trùng khớp với thời hiệu kỷ luật bên Đảng. Cần tiếp tục rà soát các luật cán bộ, công chức, viên chức và các luật liên quan khác để trình Quốc hội sửa đổi, bảo đảm sự thống nhất trong việc xử lý kỷ luật trong thực hiện hành vi vi phạm Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức; bảo đảm thống nhất trong thời hiệu kỷ luật của hệ thống chính trị.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất vì chúng ta đã thực hiện Nghị định 69. Hình thức bây giờ chúng ta xem xét việc đưa vào nghị quyết kỳ họp hay là sửa luật. Nếu chúng ta sửa luật, theo thủ tục rút gọn, vẫn mất rất nhiều thời gian. Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với phương án trước mắt, liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, thì chúng ta đưa vào nghị quyết cuộc họp. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Nếu thực hiện đầy đủ Nghị quyết 69, thì không chỉ mỗi thời hiệu mà còn có cả việc nâng lương, bổ nhiệm, quy hoạch...

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận tại tổ

3. Góp ý Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao vì trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là giao dịch tiền tệ. Trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng, kê khai tài sản không minh bạch... thì việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là cấp bách, cần thiết trong điều kiện hiện nay. Mục đích nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, các loại tội phạm khác liên quan. Việc sửa đổi luật cũng bảo đảm cam kết mà Việt Nam đã thực hiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: tại Khoản 2, Điều 1 của Dự án Luật có câu “...việc phòng, chống rửa tiền với mục đích tài trợ khủng bố được quy định tại luật này và Luật Chống khủng bố...”. Nguồn gốc của Khoản 2 này, khi chúng ta ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền, khi đó, các tổ chức quốc tế quy định nếu chúng ta không có điều khoản này, sẽ đưa vào danh sách đen hoặc chúng ta phải sửa Luật Phòng, chống khủng bố. Điều 34 của Luật Phòng, chống khủng bố, bản chất dù tiền sạch, tiền bẩn gì đều có sự kiểm soát, can thiệp. Vì vậy, có nên để Khoản 2 Điều 1 này hay không?. Nếu để, khi đọc vào người ta sẽ hiểu có 2 loại gồm phòng, chống rửa tiền nói chung và phòng, chống rửa tiền với mục đích tài trợ khủng bố. Trong khi đó, chúng ta đã sửa Điều 34 của Luật Phòng, chống khủng bố rồi nên phạm vi điều chỉnh ở nội dung này phải thể hiện rõ ràng.

Liên quan đến quản lý Nhà nước, gần 10 điều đã quy định rất cụ thể thẩm quyền của các bộ. Theo quy định, chức năng của các bộ do Chính phủ quy định. Trong khi đó, Quốc hội lại quy định hết ở Dự thảo luật này. Vì vậy, đề nghị trong Dự án Luật này nên để một điều quy định chung, còn lại giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/doan-dbqh-dak-nong-gop-y-ve-cac-du-an-luat-du-thao-nghi-quyet-95681.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/doan-dbqh-dak-nong-gop-y-ve-cac-du-an-luat-du-thao-nghi-quyet-95681.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý về các dự án luật, dự thảo nghị quyết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO